Thứ Tư, 18/05/2022, 14:27 (GMT+7)
.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh: Phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Từ năm 2020 đến nay, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trên tinh thần thực hiện lời Bác Hồ đã dặn: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn”, nên kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã đạt được những kết quả khả quan, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu đến năm 2025 Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ:

Trong bối cảnh cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng (trong đó có Tiền Giang) đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nhận diện, dự báo và đánh giá đúng tình hình, để từ đó đề ra các giải pháp, các khâu đột phá, tạo bước phát triển nhanh, mạnh và bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Có thể thấy khó khăn và cũng là thách thức cần phải nhận diện, đó là tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong năm 2021 và chưa biết được thời gian kết thúc cũng là một thách thức không nhỏ.

Đồng thời, áp lực cạnh tranh do hội nhập, năng lực cạnh tranh còn thấp, nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng... sẽ là yếu tố gây tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh (thứ hai từ phải sang) khảo sát tình hình khôi phục du lịch tại cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. Ảnh: MINH THÀNH
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh (thứ hai từ phải sang) khảo sát tình hình khôi phục du lịch tại cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. Ảnh: MINH THÀNH

* Phóng viên (PV): Nhìn lại năm 2021, chúng ta thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà phải đối mặt với khó khăn chưa từng có tiền lệ, đó là dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt trong đời sống xã hội; tình hình hạn, xâm nhập mặn tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trên tinh thần “khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta, mà để chúng ta đánh bại nó”, chúng ta đã đạt được một số kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH). Đồng chí chia sẻ về vấn đề này như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Trong khó khăn ấy, chúng ta cũng có những thuận lợi nhất định, đó là: Chủ động kiểm soát được hạn, mặn; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19; kịp thời triển khai Kế hoạch phục hồi kinh tế ngay khi vừa kiểm soát được dịch bệnh; thi công xây dựng đảm bảo liên tục, không đứt gãy tiến độ các dự án trọng điểm. Bên cạnh những thuận lợi đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 bằng tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Với quyết tâm đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; UBND tỉnh quyết liệt điều hành; cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng vào cuộc. Từ đó, mặc dù một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt như mong muốn, nhưng kinh tế của tỉnh nhà vẫn duy trì ổn định và đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, có 10/19 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 9 chỉ tiêu chưa đạt (do dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội liên tục trên diện rộng).

Một số kết quả quan trọng đã đạt được như sau: Kinh tế khôi phục sau hơn 3 tháng bùng dịch. Cụ thể, 6 tháng đầu năm kiểm soát được hạn, mặn, GRDP đạt 2,49%, sang quý III dịch bệnh bùng phát, GRDP âm 7,4%; quý IV thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, tăng trưởng dương 0,18%. Cả năm tăng trưởng âm 0,72%, xếp thứ 8/13 trong vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp được giữ vững, là khu vực duy nhất đạt tăng trưởng dương (+1,66%). Sản lượng lương thực tăng 3,7%; sản lượng rau, màu tăng 1,9%; sản lượng cây ăn quả tăng 6,3%. Giữ được tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cả dự án vốn ngoài ngân sách, như Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 và 2 với tổng vốn đầu tư trên 6.700 tỷ đồng, Nhà máy chế biến trái cây của Công ty Thabico hơn 450 tỷ đồng... Giải ngân vốn đầu tư công của Tiền Giang xếp trong tốp đầu cả nước.

Kinh tế hồi phục nhanh sau khi tỉnh kiểm soát được dịch Covid-19. Cụ thể: Cuối năm 2021, trên 97% doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, chỉ còn 162 doanh nghiệp (2,7%), chủ yếu lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ… Chỉ số công nghiệp tháng 10 tăng 1,8% so tháng 9, tháng 11 tăng 18,5% so tháng 10, tháng 12 tăng 16,9% so tháng 11. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 10 tăng 46%, tháng 11 tăng 10,1%, tháng 12 tăng 20,1%. Xuất khẩu tháng 10 tăng 61%, tháng 11 tăng 25,5%, tháng 12 tăng 50%.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 gần 3 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong các tỉnh ĐBSCL. Doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh qua từng tháng. Hỗ trợ kịp thời đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo các Nghị quyết 68, Nghị quyết 126, Nghị quyết 97, Nghị quyết 105, Nghị quyết 116... và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh. Các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn giao thông được giữ vững.

* PV: Nghị quyết 34 ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, trong đó: GRDP tăng từ 6% - 7%; kim ngạch xuất khẩu 3,35 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội 41.750 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 8.828 tỷ đồng; phát triển mới 670 doanh nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%; xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM… Để thực hiện đạt những chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp như sau: Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá trong phát triển KT-XH. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng ổn định, bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển.

Năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 3 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong các tỉnh ĐBSCL.
Năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 3 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phát huy nguồn lực, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

* PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025 Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tự cân đối ngân sách và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Xin đồng chí cho biết rõ hơn những chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, gồm 17 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, trong đó phấn đấu: GRDP bình quân 5 năm đạt từ 7% - 7,5%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng (phấn đấu 5 năm đạt 86.750 tỷ đồng, trong đó năm 2025 đạt 20.657 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 246.600 tỷ đồng, chiếm 36%/GRDP (năm 2025 đạt 59.120 tỷ đồng). Số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2021 - 2025 là 80.000 người, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 16.000 lao động.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào năm 2025 (chuẩn giai đoạn 2016 - 2020). Đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM; 8/8 huyện đạt NTM và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có từ 20% - 30% xã NTM nâng cao và 10% xã NTM kiểu mẫu...

* PV: Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, tỉnh đã xác định các khâu đột phá nào; đồng thời, thực hiện các giải pháp gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ thực hiện 3 khâu đột phá, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây gắn với phát triển kinh tế vườn vùng phía Tây. Hình thành một số khu công nghiệp nhằm khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực Đông Nam Tân Phước và vùng phía Đông (gắn với phát triển kinh tế biển). Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng trung tâm.

Thứ hai, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Trong đó, tập trung hoàn thành hệ thống thủy lợi ngăn mặn; đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh, thành trong 2 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó ưu tiên xây dựng hoàn thành trục tuyến Đông - Tây của tỉnh (Đường dọc sông Tiền hơn 111 km) kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các công trình giao thông ven sông Tiền gắn với phát triển du lịch, hình thành các khu dân cư hiện đại, khu đầu mối thủy sản (dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, di dời Cảng cá Mỹ Tho...).

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển. Cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS)...

Về giải pháp, UBND tỉnh tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tiếp cận mới, ý tưởng mới nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trong đó, tỉnh quan tâm phát triển kinh tế biển vừa gắn với khai thác tuyến đường bộ ven biển qua 7 tỉnh ĐBSCL, vừa gắn với lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo.

Song song đó, UBND tỉnh tập trung triển khai các dự án trọng điểm, như: Thành lập mới 3 khu công nghiệp theo quy hoạch là Tân Phước 1, Tân Phước 2 và Bình Đông với tổng diện tích hơn 980 ha; thực hiện điều chỉnh quy hoạch để mời gọi đầu tư 3 khu đất với tổng diện tích 463 ha (200 ha ở thị trấn Mỹ Phước, 208 ha ở xã Thạnh Hòa và 55 ha ở xã Tam Hiệp); điều chỉnh công năng khu đất 352 ha quy hoạch nuôi thủy sản tại xã Phú Tân; xây dựng mới các cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Gia Thuận 2, Thạnh Tân… Triển khai các dự án: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền trên 111 km), Hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864, Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định…

Tiếp tục mời gọi đầu tư hình thành các chuỗi sản phẩm chủ lực, mà hạt nhân là các nhà máy chế biến gắn với các vùng chuyên canh cây ăn trái mà Tiền Giang có thế mạnh về sản lượng, chất lượng, thuận lợi trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (chỉ riêng dự án của Công ty Thabico bước đầu đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc hình thành một số vùng trồng chuyên canh…).

Phát triển thị trường bất động sản, trước hết là ở các khu vực đô thị trung tâm và khu vực ven đô có kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ (riêng TP. Mỹ Tho, hiện nay được xác định là vùng ngoại vi của TP. Hồ Chí Minh theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, sẽ là điểm hấp dẫn trong tương lai thu hút nhà đầu tư bất động sản, đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, kể cả dịch vụ chất lượng cao...) và nhiều giải pháp liên quan phát triển hạ tầng có sức lan tỏa, phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của từng địa phương và của tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.