.

Huyện Cai Lậy: Phát triển hạ tầng giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 08:39, 27/05/2022 (GMT+7)

Huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Cai Lậy đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi với nhiều khởi sắc.

ĐỒNG LÒNG

Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên các công trình xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cai Lậy đều được người dân đồng tình tham gia ủng hộ tích cực, từ việc đóng góp kinh phí, ngày công lao động cho đến giám sát thi công…

Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cai Lậy.
Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Ông Lê Quốc Thượng (ngụ ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc) chia sẻ: “Từ những ngày đầu triển khai xây dựng xã NTM Mỹ Thành Bắc, được các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, tôi nhận thức được việc xây dựng xã NTM không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, mà người dân mới giữ vai trò chính và là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.

Chính vì vậy, bản thân tôi cũng như nhiều người dân khác trong xã đã tự nguyện hiến đất, di dời cây trồng, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động, cùng với chính quyền địa phương xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trên địa bàn khang trang hơn, giúp diện mạo nông thôn Mỹ Thành Bắc khoác lên “chiếc áo mới” của sự đổi thay với nhiều khởi sắc”.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (ngụ ấp 8, xã Mỹ Thành Nam) cho biết, trước đây, Mỹ Thành Nam là một trong những xã nghèo của huyện Cai Lậy, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ vào xây dựng NTM, trong đó có đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, xã Mỹ Thành Nam không còn những con đường lầy lội, mà thay vào đó là những con đường thảm nhựa, bê tông hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

“Đặc biệt, bản thân tôi và người dân nơi đây đều phấn khởi khi cầu Kinh Kháng Chiến được xây dựng thay thế cho cây cầu cũ xuống cấp. Cầu mới không chỉ giúp lưu thông hàng hóa, kết nối giao thông giữa địa phương và huyện Cái Bè cũng như các vùng lân cận thuận lợi hơn, mà bộ mặt nông thôn xã Mỹ Thành Nam ngày càng khởi sắc”, ông Ẩn chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thời gian qua trên địa bàn huyện Cai Lậy đã tạo được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Để có được kết quả này là nhờ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay với chính quyền các cấp thực hiện nhiều công trình giao thông nông thôn trên địa bàn gắn với xây dựng NTM.

TẠO ĐỘT PHÁ

Theo đồng chí Trần Quốc Bình, thời gian qua, huyện Cai Lậy đã đưa vào sử dụng 14 công trình giao thông trọng điểm với tổng kinh phí hơn 553 tỷ đồng. Trong đó, công trình được xem có tính đột phá của huyện là cầu Ngũ Hiệp nằm trên đường tỉnh 868 bắc qua cù lao Ngũ Hiệp, có tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Công trình cầu Ngũ Hiệp đưa vào sử dụng không chỉ góp phần tạo thuận lợi trong đi lại, giao thương trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, mà trong tương lai sẽ mở rộng kết nối giao thông 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

“Có thể nói, các công trình giao thông được đưa vào sử dụng trên địa bàn huyện Cai Lậy đã giúp cho việc lưu thông của người dân thuận lợi; đồng thời, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các vùng, đây được xem là nền tảng quan trọng thúc đẩy huyện Cai Lậy phát triển toàn diện về mọi mặt”, đồng chí Trần Quốc Bình cho biết thêm.

Theo UBND huyện Cai Lậy, địa phương đã và đang chủ động tạo các đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chủ động tìm nguồn vốn đầu tư cho 7 công trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đó, các tuyến giao thông đang đề xuất kiến nghị với tổng kinh phí 605 tỷ đồng, gồm: Đường tỉnh 874B nối dài (xã Mỹ Long - xã Tam Bình); cầu trên đường huyện 66 qua kinh Nguyễn Văn Tiếp (xã Mỹ Thành Bắc); cầu trên đường huyện 67 qua sông Ba Rài (xã Cẩm Sơn); mở rộng đường tỉnh 875B (xã Bình Phú), đường nhựa từ cuối bờ kè đầu cồn Tân Phong (xã Tân Phong), cầu qua cồn Tròn (xã Ngũ Hiệp), cầu từ cồn Tròn, xã Ngũ Hiệp qua xã Tân Phong.

Những năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cai Lậy được đầu tư mạnh mẽ, từng bước nâng cấp mở rộng theo chuẩn NTM. Huyện Cai Lậy hiện có 18 tuyến đường huyện với tổng chiều dài gần 150 km; trong đó đã đầu tư 13 tuyến đạt chuẩn với kinh phí trên 872 tỷ đồng; 5 tuyến đường huyện còn lại đang được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 249,355 tỷ đồng. Đồng thời, huyện Cai Lậy đang tiếp tục từng bước đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa dễ dàng hơn; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm cho diện mạo nông thôn huyện Cai Lậy khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

 

TUẤN LÂM

 

.
.
.