Thứ Hai, 26/09/2022, 08:54 (GMT+7)
.

"Đại bàng" FDI tiếp tục "làm tổ" ở Việt Nam

Trên 90% doanh nghiệp (DN) FDI đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các DN đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài. Trong đó khoảng 66% DN dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Đó là thông tin được công bố tại khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022.

Thương hiệu Việt Nam trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Dù dòng vốn đầu tư trên thế giới đang bị suy giảm nhưng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Vốn thực hiện là 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%.

Đáng chú ý, chất lượng đầu tư các dự án được nâng lên, đạt bình quân 14,7 triệu USD/dự án, cao hơn năm 2021 (hơn 10 triệu USD/dự án). Qua đó, cho thấy các dự án đầu tư ngày càng có quy mô và chất lượng hơn. Tính lũy kế đến ngày 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

b

Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam.

“Điểm đáng lưu ý là một số dự án quy mô lớn đang đầu tư vào những lĩnh vực đã tăng vốn, mở rộng sản xuất, thêm “những minh chứng sống” về sự tin tưởng cao vào môi trường đầu tư nước ta. Sự an lành và phát triển của "những con chim lớn hiện có sẽ lôi kéo nhiều đàn chim khác đến", ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định, Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và thế giới đang rất quan tâm, chú ý tới Việt Nam.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN. Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và sẽ bứt phá trong các năm tới khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, DN quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Theo đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Trong trung hạn (2 - 3 năm tới), các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất chế tạo. Trong số đó, nhiều lĩnh vực “hot” như: công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng... là những lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội thu hút.

Để chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chuẩn bị về mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị; chuẩn bị sẵn các "gói" ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao. Trong dài hạn, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Theo Báo Công An Nhân Dân điện tử

.
.
.