Thứ Ba, 20/09/2022, 15:36 (GMT+7)
.

Tháo gỡ khó khăn về thị trường với tinh thần 'trong nguy có cơ'

Theo các ý kiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tổ chức ngày 19/9, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được bạn bè quốc tế và các đối tác đánh giá rất cao.

a
Các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở báo cáo tổng quan của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương và các bộ, ngành nhất trí, trong thời gian qua công tác ngoại giao kinh tế đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén trong ngoại giao kinh tế

Ngoại giao kinh tế đã trở thành một trong những nội dung quan trọng nhất trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Đặc biệt, "Chiến lược ngoại giao vaccine" đã được triển khai hết sức thành công, đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi công cuộc kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Tuy vậy, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác ngoại giao kinh tế, nhất là phải có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén.

Các Đại sứ đã chia sẻ những đánh giá sâu sắc về triển vọng kinh tế, điều chỉnh chính sách của các nước và cơ hội, thách thức đặt ra với Việt Nam; từ đó đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.

Nổi bật là: Thúc đẩy đàm phán, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về kinh tế với các đối tác, thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia, phát triển thương mại bền vững với các đối tác lớn, hợp tác về lao động, y tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng chiến lược tổng thể về quảng bá Việt Nam ở nước ngoài...

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ kết nối, mở rộng hợp tác, đồng thời đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tiếp tục phát huy vai trò là kênh thu thập, cung cấp thông tin, dự báo, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Các đại biểu thống nhất với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh các thị trường lớn của Việt Nam đều có xu hướng thu hẹp, các cơ quan đại diện Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình với tinh thần "trong nguy có cơ" để góp phần khắc phục các khó khăn ở các thị trường lớn, đồng thời mở rộng các thị trường khác, góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, đa dang hóa chuỗi cung ứng…, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước.

Trong đó, cần tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác của các hiệp định thương mai tự do (FTA); mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia…
Kiến nghị từ các Đại sứ Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết chưa bao giờ chính giới và doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam như hiện nay, đặc biệt chuyến thăm Hoa Kỳ với nhiều cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền, quốc hội doanh nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022 đã tạo nên hiệu ứng rất mạnh mẽ.

Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam và sự đồng hành, đối thoại của Chính phủ Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, là đích đến của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng nhờ các yếu tố như vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực, kiểm soát dịch COVID - 19 hiệu quả, môi trường kinh doanh ổn định, mạng lưới FTA rộng khắp.  Đáng chú ý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Hoa Kỳ, chúng ta cần tiếp tục duy trì quan hệ cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác, hình thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ; sớm ký hiệp định chống đánh thuế 2 lần,  tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam; duy trì đối thoại và quan tâm tới các đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ

Cùng với đó tiếp tục chủ động tham gia thương lượng các trụ cột của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Việc tích cực, chủ động tham gia IPEF của Việt Nam được các đối tác, chính quyền và doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá rất cao, phía Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẵn sàng tham gia các sân chơi lớn và nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc thương mại quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu sâu hơn về yêu cầu khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, có biện pháp quảng bá sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chiến lược chiếm lĩnh thị trường phù hợp, kiên quyết tránh gian lận xuất xứ, không rõ nguồn gốc hàng hóa.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết hiện nay uy tín Việt Nam tại nước sở tại đang rất tốt, hình ảnh người Việt Nam tại Australia đang được đánh giá rất cao. Phía Australia cũng đánh giá thương hiệu quốc gia Việt Nam có nhiều tiến bộ.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, trong  8 tháng đầu năm nay, thương mại hai nước tăng trưởng 37,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tăng 42,5% và là một trong những đối tác giữ được mức tăng trưởng thương mại cao. Australia lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

Đặc biệt các doanh nghiệp Australia đánh giá rất cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp Australia gửi thư đến Đại sứ quán cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị lần này.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng việc quảng bá thương hiệu quốc gia cần thực hiện trên tất cả các kênh, các cấp, nhất là lãnh đạo cấp cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển lãm sản phẩm trên nền tảng số; xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam; thu hút đầu tư chất lượng cao, trong đó có đầu tư gián tiếp, xúc tiến đầu tư hiệu quả. Về du lịch, nên miễn thị thực 30 ngày cho công dân các nước là đối tác chiến lược, trong đó có Australia.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết Australia hiện đang dạng hóa thị trường, đối tác, đẩy mạnh thương mại, đầu tư với các nước bạn bè truyền thống, nhiều doanh nghiệp Australia tìm nguồn có thể thay thế sản xuất phụ tùng,bao bì để bảo đảm cung ứng … Đây có thể là cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Về hợp tác khoa học công nghệ, Đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị xây dựng quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo với Australia trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác về kinh tế số… Đưa hợp tác biến đổi khí hậu thành trụ cột hợp tác mới giữa hai nước để tranh thủ kinh nghiệm và công nghệ của Australia trong lĩnh vực này.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh Nhật Bản là nền kinh tế có vị trí  đặc biệt quan trọng với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, lao động, du lịch… Về đầu tư, Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của của Việt Nam như hạ tầng, năng lượng, sản xuất, khoa học công nghệ…

Hầu hết các doanh nghiệp của Nhật Bản đều có thiện cảm với thị trường Việt Nam, đặc biệt việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, gần đây nhất là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản đã tạo khuôn khổ mới thúc dẩy hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản quyết định chọn Việt Nam là nơi thúc đẩy chuyển dịch đầu tư để cải thiện nguồn cung.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết mặt hàng nông sản  của Việt Nam  xuất khẩu sang Nhật có tác động mạnh đến uy tín của hàng hóa Việt Nam tại Nhật, do vậy chúng ta cần chú trọng hơn nữa xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng điều quan trọng nhất là các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe tâm tư, kiến nghị của  doanh nghiệp Nhật Bản để giải quyết kip thời những vướng mắc trong quá trình đầu tư ở Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nêu rõ Trung Quốc là thị trường lớn, có vai trò hàng đầu đối với Việt Nam, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam cũng như và quan hệ hai nước..

Hiện nay dưới tác động của quá trình tái cơ cấu sản xuất, cung ứng toàn cầu, đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang một số nước ASEAN. Trung Quốc tăng cường tiêu dùng nội địa, mở rộng nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao, trong đó có nông sản…

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng đây là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam thu hút các dòng đầu tư FDI mới cũng như thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông sản chất lượng cao sang thị trường Trung Quốc.

Trên cơ đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tích cực trao đổi giữa các bộ ngành, địa phương hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án hợp tác giữa hai bên.

Tiếp tục giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại biên giới hai nước vào các dịp cao điểm thông qua kênh ngoại giao, thúc đẩy phía Trung Quốc mở rộng danh mục hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đa dạng hóa các kênh phân phối, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử, hệ thống logictic…, hỗ trợ kết nối giữa các địa phương nhất là các địa phương biên giới hai nước, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tham gia chuỗi phân phối nhằm tiếp cận sâu hơn thị trường Trung Quốc

Tăng cường quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, tập trung vào hàng nông sản, chú trọng quảng bá tại các địa phương của Trung Quốc có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm Việt Nam. Các bộ ngành hữu quan cần xây dựng và triển khai đề án tổng thể về tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các đia phương cần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch vùng trồng vùng sản xuất nông sản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.