Thứ Sáu, 02/09/2022, 10:20 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Xu hướng dùng hàng Việt ngày càng tăng

Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) luôn được các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh chủ động xây dựng đề án, kế hoạch triển khai. Qua đó tạo được bước chuyển biến trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về ưu tiên dùng hàng Việt.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Nhằm tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Cuộc vận động, 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp tuyên truyền được 2.120 cuộc, với 63.241 lượt người tham dự; cấp phát 10.600 tờ rơi, tờ bướm về cơ sở; tuyên truyền trên đài truyền thanh, truyền hình 1.879 lượt, với 243 tin, bài và đặt 58 pa nô và treo băng rôn tuyên truyền cổ động Cuộc vận động.

Đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động lựa chọn mua sắm hàng Việt Nam từ chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”.
Đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động lựa chọn mua sắm hàng Việt Nam từ chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”.

Các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động thông qua xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, thường xuyên đưa tin, bài phản ánh tình hình, kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiêp.

Đồng thời, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh là một trong các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch về thực hiện Cuộc vận động; nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh và 11 câu lạc bộ tuyên truyền cấp huyện.

Các Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính sự nghiệp phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tuyên truyền gắn với sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt chuyên đề của Công đoàn; Công đoàn cơ sở doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền bằng loa truyền thanh nội bộ, thông qua bảng thông tin, tuyên truyền, phát thanh trên xe đưa, rước công nhân…

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ngô Thị Thùy Trang cho biết, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện việc mua sắm các sản phẩm, hàng hóa để tặng, thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động theo chế độ cho phép từ nguồn kinh phí Công đoàn ưu tiên mua sản phẩm, hàng hóa dịch vụ các đơn vị có ký kết chương trình phúc lợi với các cấp Công đoàn là sản phẩm trong nước, thương hiệu Việt.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”, trong 6 tháng đầu năm LĐLĐ tỉnh và các cấp Công đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 đơn vị trong nước; qua đó, đã sử dụng hơn 32.300 sản phẩm, dịch vụ được hưởng lợi hơn 304,3 triệu đồng.

Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thương hiệu Việt tại Co.opmart TX. Gò Công.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thương hiệu Việt tại Co.opmart TX. Gò Công.

Nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, công tác tuyên truyền được Cục Quản lý thị trường tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng. Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đỗ Văn Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền 12.000 lượt trên báo, đài. Trong quá trình giám sát, kiểm tra với doanh nghiệp, lực lượng công chức quản lý, kiểm soát viên thị trường còn tuyên truyền trực tiếp các nội dung về điều kiện kinh doanh, quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm có thể bị xử phạt đến doanh nghiệp.

Cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, chiếm giữ và mở rộng thị trường nội địa. Qua đó, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chiếm trên 85%, đặc biệt là vùng nông thôn trên 90%.

NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện Cuộc vận động, đến nay nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi. Cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và lan tỏa rộng khắp; người dân đã ý thức, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như vẫn còn doanh nghiệp chưa nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; mẫu mã hàng hóa chưa cải tiến; sản phẩm chưa đa dạng nên ít thu hút người tiêu dùng và khó cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, người tiêu dùng thích chọn sản phẩm nhập khẩu nước ngoài.

Ngoài ra, trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, còn một số ít doanh nghiệp có tư tưởng lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến ý nghĩa thiết thực của chương trình.

Công tác thanh tra, kiểm soát chưa được thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến một số tổ chức, cá nhân được phép tổ chức hội chợ lấy tên “liên quan” đến hàng Việt Nam để bán hàng hóa kém chất lượng, hàng Trung Quốc, hàng thay nhãn mác… từ đó ít nhiều làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến Cuộc vận động.

Đồng chí Đỗ Văn Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường; thông tin, tuyên truyền để góp phần đưa Chỉ thị 03 ngày 15-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới đi vào cuộc sống.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý thị trường trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng kế hoạch, kịp thời thực hiện giám sát phát hiện hành vi vi phạm trong tổ chức kiểm tra. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 707 cơ sở, xử lý 353 vụ, thu phạt gần 5 tỷ đồng; trong đó, nhiều vi phạm trong lĩnh vực phân bón và xăng, dầu do vi phạm không đảm bảo chất lượng, điều kiện kinh doanh…

Để Cuộc vận động ngày thêm phát huy hiệu quả, các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm hơn nữa về chất lượng sản phẩm, mẫu mã hình thức, mở rộng thị trường để quảng bá sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng hàng nội địa.

LÝ OANH

.
.
.