Thứ Tư, 26/10/2022, 06:45 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

(ABO) Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hoạt động ổn định theo Luật HTX năm 2012. Hoạt động kinh tế tập thể thông qua mô hình HTX đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

HTX  Sầu riêng Ngũ Hiệp tổ chức thu mua sàu riêng
HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp tổ chức thu mua sầu riêng.

Toàn huyện Cai Lậy hiện có 16 HTX, giữ ổn định như năm 2021. Tất cả HTX đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; trong đó có 5 HTX vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp nước sinh hoạt nông thôn và 11 HTX sản xuất nông nghiệp. Doanh thu bình quân của các HTX khoảng 2.200 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 105 triệu đồng/năm.

Kết quả phân loại, đánh giá HTX, có 5 HTX khá, 10 HTX trung bình, 1 HTX không hoạt động. Tổng số thành viên của 16 HTX là 12.303 thành viên; tổng số vốn điều lệ 12,108 tỷ đồng. Lao động thường xuyên trong các HTX là 45 người, số lao động này đồng thời cũng là thành viên của các HTX.

Trên cơ sở Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 của UBND tỉnh, UBND huyện Cai Lậy xây dựng Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn huyện.

Kế hoạch này đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, cũng như sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể huyện và UBND các xã trong việc hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, đặc biệt là sự tích cực tham gia của thành viên HTX trong công tác này.

UBND huyện Cai Lậy cũng đã ban hành Quyết định 3364 ngày 5-10-2021 về kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện gồm có 8 thành viên.

Triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, năm 2022, huyện Cai Lậy thực hiện chính sách hỗ trợ cho 450 ha đất trồng lúa theo Kế hoạch 22 ngày 20-1-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang; hỗ trợ cho 160 ha đất trồng lúa theo Nghị quyết 07 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang, gồm: Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Greenvina Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2024; 2 Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo giai đoạn 2022 - 2024 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc và HTX Nông nghiệp Mỹ Thành Nam. Tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trong năm 2022 là 1,129 tỷ đồng.

Huyện Cai Lậy đã triển khai trình diễn 45 mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa” (10 ha/mô hình) tại xã Thạnh Lộc (25 mô hình), Mỹ Thành Bắc (20 mô hình) trong vụ lúa hè thu năm 2022. Số tiền mua lúa giống, phân bón, chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật để thực hiện trình diễn 45 mô hình này là 6,102 tỷ đồng...

Thời gian qua, với sự hướng dẫn của ngành chuyên môn cấp tỉnh, huyện và sự hỗ trợ của các xã, hầu hết các HTX trên đại bàn huyện Cai Lậy đều tổ chức hoạt động và có đầy đủ hồ sơ theo quy định, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân là do đa số các HTX chưa đảm bảo được các chỉ số về kinh tế (doanh thu, lợi nhuận,…) và chế độ chính sách cho cán bộ làm việc trong HTX. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất của đa số HTX còn nhiều khó khăn. Các HTX rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong khi việc huy động vốn từ thành viên còn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của HTX...

HTX...
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức sơ chế sầu riêng.

Định hướng phát triển kinh tế tập thể của huyện Cai Lậy trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, xóa khó, giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục đưa kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng của huyện Cai Lậy. Phát triển kinh tế tập thể của huyện sẽ gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định pháp luật. Khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa khó, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của thành viên HTX và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Huyện Cai Lậy đã đề ra các giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, như: Tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo quy định tại Nghị định 193 ngày 21-11- 2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật HTX 2012. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể...

MỸ LINH

 

 

.
.
.