.

Vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi: Chưa được sử dụng mở rộng trên phạm vi cả nước

Cập nhật: 09:56, 16/03/2023 (GMT+7)

Hiện vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn chưa được sử dụng mở rộng trên phạm vi cả nước, chủ yếu được tiêm phòng giám sát. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng với vắc xin phòng DTHCP được mua bán trên thị trường.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, DTHCP được phát hiện trên thế giới đến nay hơn 100 năm qua. Trên thế giới đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến vi rút DTHCP và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố. Tuy nhiên, trên thế giới, đến thời điểm này chỉ có Việt Nam là sản xuất được vắc xin DTHCP.

Hiện vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn chưa được sử dụng mở rộng trên phạm vi cả nước, chủ yếu được tiêm phòng giám sát.
Hiện vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn chưa được sử dụng mở rộng trên phạm vi cả nước, chủ yếu được tiêm phòng giám sát.

Ở Việt Nam, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) là đơn vị đầu tiên được Cục Thú y cấp phép sản xuất, lưu hành vắc xin phòng bệnh DTHCP với tên gọi là NAVET-ASFVAC. Vắc xin này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Lễ công bố vào ngày 3-6-2022. Thời gian gần đây, có thêm vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC) sản xuất.

Trước khi triển khai vắc xin NAVET-ASFVAC và vắc xin AVAC ASF LIVE thương mại mở rộng trên phạm vi cả nước, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã chỉ đạo thực hiện tiêm phòng giám sát trên phạm vi hẹp với số lượng là 600.000 liều, đối tượng vật nuôi là heo từ 8 - 10 tuần tuổi và không sử dụng cho heo sinh sản (hậu bị, nái và đực giống).

Ở giai đoạn này, Công ty Navetco triển khai tiêm phòng giám sát vắc xin NAVET-ASFVAC tại các nông hộ, cơ sở chăn nuôi trang trại; Công ty AVAC triển khai tiêm phòng giám sát vắc xin AVAC ASF LIVE tại các trang trại nội bộ của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Thời gian qua, DTHCP đã gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Thời điểm trước khi xảy ra dịch DTHCP, đàn heo của toàn tỉnh khoảng 584 ngàn con. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, đàn heo đã giảm chỉ còn 298 ngàn con. Hiện nay, DTHCP vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tại địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang đã phối hợp Công ty Navetco cùng với cơ quan chuyên môn của huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây tổ chức tiêm phòng giám sát tại 2 cơ sở chăn nuôi heo có đăng ký và đáp ứng điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.

Heo được tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC mũi 1 và mũi 2 (mũi 2 cách mũi 1 là 21 ngày) sau 21 ngày đều được đánh giá mức độ bài thải vi rút vắc xin qua dịch miệng, chất bài thải (dịch tiết, phân). Heo tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC mũi 2 sau 21 ngày được đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng qua mẫu máu (huyết thanh). Ngay sau thời điểm tiêm phòng, đàn heo được giám sát lâm sàng, ghi chép thông tin về tình trạng sức khỏe hằng ngày.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang cho biết, nhận định bước đầu về tiêm phòng giám sát vắc xin NAVET-ASFVAC đối với hộ 1 ở tỉnh là đàn heo sau khi tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC đều khỏe mạnh, bình thường.

Tại hộ 2, sau khi tiêm vắc xin 12 ngày, một số heo có biểu hiện sốt, lừ đừ, bỏ ăn hoặc ăn ít, đỏ da, ho và chết. Số heo còn lại vẫn khỏe mạnh, bình thường. Tất cả các mẫu được gửi về Chi cục Thú y vùng VI để tiến hành xét nghiệm. Từ đó làm rõ nguyên nhân gây chết heo sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh DTHCP, nhà sản xuất cần có những nghiên cứu thêm về huyết học, đặc biệt là các cytokine.

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, hiện vắc xin NAVET-ASFVAC và vắc xin AVAC ASF LIVE vẫn chưa được sử dụng mở rộng trên phạm vi cả nước, chủ yếu là tiêm phòng giám sát. Chính vì thế, người chăn nuôi cần cảnh giác với các loại vắc xin giả. Khi phát hiện vắc xin NAVET-ASFVAC, vắc xin AVAC ASF LIVE hoặc vắc xin phòng bệnh DTHCP khác đang lưu hành trôi nổi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, người chăn nuôi phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương các cấp để xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng giả, không đúng quy định.

Trong thời gian chờ có vắc xin NAVET-ASFVAC và vắc xin AVAC ASF LIVE thương mại mở rộng trên phạm vi cả nước, người chăn nuôi tiếp tục áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ tốt đàn heo của mình.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.