.

Tiền Giang: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể

Cập nhật: 14:55, 15/12/2023 (GMT+7)

Năm 2023, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Với việc tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) ngày càng được nâng lên và đi vào thực chất.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN

Hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực.
Hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chuyển biến tích cực.

Trong năm 2023, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KTTT, HTX. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 95 về tuyên truyền chính sách, pháp luật về KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025; tham gia đóng góp ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện Quyết định 2848 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025...

Năm 2023, toàn tỉnh Tiền Giang thành lập mới 12 HTX (10 HTX nông nghiệp, 2 HTX phi nông nghiệp) với tổng số 348 thành viên, tổng vốn góp đạt 19,973 tỷ đồng; có 3 HTX giải thể; ngưng hoạt động 23 HTX.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 271 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng 9 HTX so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 3,45%), đạt 105,44% kế hoạch năm 2023. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 1.319,5 tỷ đồng, bình quân 4,88 tỷ đồng/HTX, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 6.115,9 tỷ đồng, bình quân 22,65 tỷ đồng/HTX, tăng 4,55% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu của HTX cuối năm 2023 ước đạt 2.848,3 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cùng kỳ 2022, đạt 102,2% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 52,02 tỷ đồng, tăng 6,38% so với cùng kỳ 2022, đạt 100,1% kế hoạch. 

Đến cuối năm 2023, tổng số thành viên của các HTX đạt 91.689 thành viên, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch.

Tổng số lao động đạt 32.184 người, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100,1% kế hoạch; trong đó có 8.863 lao động là thành viên của các HTX.

Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,67% so với cùng kỳ 2022, đạt 103,22% kế hoạch.

Với hành lang pháp lý tương đối thuận lợi trên, các sở, ngành và địa phương đã tập trung triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện để các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, hỗ trợ.

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đất đai; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2023, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ thiết thực cho sự ổn định, phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX.

Nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của KTTT, HTX được nâng lên. Nhiều địa phương quan tâm đến phong trào phát triển KTTT, HTX, hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động của HTX từ chủ trương đến thực hiện các chế độ, chính sách đối với các HTX.

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình OCOP, các HTX được hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng.

Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX. Từ đó, thu nhập người lao động, thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 

Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đơn vị HTX thành viên; luôn chủ động, tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành viên hoạt động.

Ngoài ra, đơn vị còn tập trung công tác tuyên truyền, vận động thành lập, phát triển mới HTX ở những nơi đủ điều kiện, người dân có nhu cầu, gắn xây dựng phát triển KTTT với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KTTT

Trong năm 2024, mục tiêu mà tỉnh đưa ra là phát triển mới khoảng 10 HTX; tăng số lượng HTX lên 276 HTX, tăng 1,87%. Tổng số lượng thành viên là 93.466 thành viên, tăng 1,96%, giải quyết việc làm thường xuyên cho 33.774 lao động, tăng 5% với thu nhập bình quân đạt 80,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5%. Doanh thu bình quân của HTX 12,5 tỷ đồng, đạt lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng; số HTX khá, giỏi đạt 60%.

Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT.
Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT.

100% thành viên HTX, tổ hợp tác và phần lớn cán bộ, đảng viên và người dân được tuyên truyền chủ trương và pháp luật về HTX, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Tỉnh đào tạo trên 70% - 80% cán bộ quản lý, điều hành HTX các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển của HTX trong thời kỳ hội nhập.

Tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 1.080 người, tăng 5%; trình độ cao đẳng, đại học là 272 người, tăng 5%. Tỉnh phấn đấu xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh KTTT tỉnh nhà là hoạt động của các HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực.

Với việc tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, đa số các HTX tổ chức sản xuất theo mô hình dịch vụ tổng hợp, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Có 51 HTX liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, 23 HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Nhiều HTX tham gia Chương trình OCOP (có 17 HTX với 27 loại sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 23 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm 4 sao), xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu.

Để cụ thể hóa những mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển KTTT; triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2848 của UBND tỉnh. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX.

Để tạo nguồn lực cho các HTX phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; xây dựng, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên.

M. THÀNH

.
.
.