.

Huyện Gò Công Tây: 2 nông dân điển hình làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 14:47, 28/02/2024 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, hưởng ứng phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, nhiều nông dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó hình thành các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân.

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH NUÔI GÀ THẢ VƯỜN

Được cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Bình Tân giới thiệu, chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi gà thả vườn của nông dân Huỳnh Văn Đạt (sinh năm 1977, ấp Xóm Thủ, xã Bình Tân). Đây là nông dân điển hình chăn nuôi gà trên 15 năm. Theo lời anh Đạt chia sẻ, một năm anh thực hiện 3 đợt nuôi, 1 chu kỳ nuôi khoảng 3,5 tháng là xuất bán. Với trang trại gần 500 m2, anh thả nuôi 4.000 con gà, chủ yếu là giống gà Bến Tre.

Anh Đạt cho biết: “Lúc mua gà giống, được ký bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường với đại lý thu mua gia súc, gia cầm của tỉnh Bến Tre nên tôi và gia đình yên tâm đầu ra. Nuôi loại gà thả vườn cần chú ý hệ thống chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh để gà phát triển tốt. Đồng thời, sử dụng hệ thống sàn lót trấu pha trộn với chất mùn, mạt cưa và men vi sinh để xử lý mùi hôi, thấm hút chất thải ra không gây ô nhiễm môi trường”.

Theo quan sát của chúng tôi, thức ăn cho gà cũng được anh Đạt sử dụng loại thức ăn chất lượng của công ty thức ăn có uy tín trên thị trường nên đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho đàn gà. Ngoài ra, anh còn lắp đặt hệ thống nước uống tự động, đảm bảo cho gà có đủ nước sạch uống trong suốt chu kỳ nuôi. Anh Đạt ước tính sẽ thu lãi được từ 80 đến 100 triệu đồng cho tổng đàn gà 4.000 con của gia đình.

Trại nuôi gà của anh Huỳnh Văn Đạt là địa điểm cho ngành chăn nuôi của xã đến tổ chức nhiều đợt tham quan, hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà cho
Trại nuôi gà của anh Đạt là địa điểm cho ngành chăn nuôi xã tổ chức nhiều đợt tham quan, hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà cho hội viên, nông dân.

Không chỉ chăn nuôi giỏi, anh Đạt còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, nhất là các chương trình do địa phương phát động. Khi MTTQ xã vận động thi công lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến đường vào khu dân cư Xóm Thủ, anh Đạt đã tự nguyện lắp đặt điện kế tại gia đình mình và phụ trách theo dõi.

Anh còn tham gia ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công lắp đặt, kéo dây điện giúp lực lượng thi công. Ngoài ra, mỗi khi địa phương có phát động tham gia làm đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, anh Đạt cũng nhiệt tình tham gia.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Tân Lê Đông Tuyền cho biết: Trại nuôi gà của anh Huỳnh Văn Đạt là địa điểm cho ngành chăn nuôi xã tổ chức nhiều đợt tham quan, hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà cho các chi hội nông dân cơ sở trong toàn huyện. Anh Đạt luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi gà của mình cho những ai muốn học hỏi. Anh Đạt là tấm gương sáng trong công tác xã hội. Những việc làm tích cực vì cộng đồng của anh cần được nhân rộng trong cộng đồng.

TRỒNG MAI VÀNG CHO THU NHẬP CAO

 Còn tại xã Đồng Sơn, cũng có nhiều hộ nông dân nhạy bén chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1953) đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây mai vàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Kiên cho biết, nhân duyên ông đến với nghề trồng cây mai vàng là từ những người con, cháu đi làm tại các cơ sở trồng cây kiểng tại tỉnh Long An. Từ đó, ông có dịp tham quan, học hỏi được những kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mai vàng. Cùng với đó, trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao nên ông mạnh dạn đầu tư trồng mai vàng đến nay được 10 năm.

Thời gian đầu còn nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, kiến thức chưa nhiều, qua nhiều năm trồng ông Kiên đúc kết kinh nghiệm, đã biết cách thức chọn lựa cây, xử lý tạo dáng, cắt ghép cho ra các loại mai cánh nhiều, bông lớn, kỹ thuật bẻ cành tạo thế cho cây ra tán lá tròn đều, đẹp mắt.

Hiện tại, gia đình ông Kiên có hơn 1 ha đất trồng hơn 2.000 cây mai vàng đã thành hình. Ông Kiên cho biết, cây mai vàng là giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của huyện Gò Công Tây, khá dễ trồng, chỉ cần biết cách phòng trị sâu đục thân và sâu ăn lá và bón phân, tưới nước đầy đủ là cây phát triển tốt quanh năm. Ông thường chọn cách đắp mô, các mô có khoảng cách hơn 0,5 m, rồi bồi đất, bón phân hữu cơ như xơ dừa, phân dê, phân bò đã ủ mục, phân DAP cho cây đủ dưỡng chất là mai vàng phát triển tốt.

Theo ông Kiên, trung bình một cây mai vàng thành hình chóp tàn tròn đều trên 5 năm tuổi có giá từ 4 - 5 triệu đồng; cây càng lâu năm, già lão, gốc rễ đẹp có giá từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Thường những cây mai vàng quý có giá trị cao, ông chăm sóc kỹ và chờ khi nào “giá thích hợp” mới trao đổi, giao lưu. Ông ước tính trong vườn có trên 20 cây mai vàng cổ có giá trị đang được ông chăm sóc đặc biệt, hứa hẹn sẽ mang về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Ông Kiên cho biết: Cây mai vàng là loại cây kiểng truyền thống rất có giá trị, được người chơi cây kiểng ưa thích trồng, trưng bày trong sân nhà, nhất là vào mỗi dịp tết đến; vì cây hàm ý chứa đựng điều may mắn, sung túc đến cho chủ nhà. Thị trường chính của cây mai vàng tại xã Đồng Sơn, chủ yếu là do các thương lái đặt hàng để bán vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Những năm gần đây, người trồng mai vàng cũng mạnh dạn liên kết với bạn bè cùng ngành hàng hoa kiểng tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, hay tỉnh Long An, Đồng Tháp… nên đầu ra khá yên tâm.

Hiện tại, sau tết ông Kiên và những thành viên trong gia đình đang tích cực chăm sóc vườn mai vàng và tiếp tục xử lý để nuôi cây cho vụ tiếp theo.

Sau tết Ông Kiên tiếp tục xử lý để nuôi cây cho vụ tiếp theo
Sau tết, ông Kiên tiếp tục xử lý cây mai cho vụ tiếp theo.

Không những làm kinh tế giỏi từ cây mai vàng trên nền đất lúa, ông Kiên còn tận tình hướng dẫn nhiều hộ nông dân khác trong ấp cùng phát triển và nhân rộng mô hình này. Ông Kiên còn được mọi người trong xóm quý mến vì tấm lòng quan tâm, tận tình giúp đỡ,tạo điều kiện cho những người muốn học hỏi kỹ thuật trồng, mua mai giống. Ông Kiên vinh dự được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền.

 Theo ngành Nông nghiệp xã Đồng Sơn, đến  nay, toàn xã Đồng Sơn có hơn 25 ha trồng mai vàng nguyên liệu, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều nông dân. Thời gian gần đây, mai vàng được nhiều nông dân tại các xã Thành Công, Bình Phú, Thạnh Nhựt, Long Bình, Bình Tân… trồng thử nghiệm dưới chân ruộng. Từ đó góp phần đáng kể trong việc đa dạng hóa các mô hình sản xuất.

QUẾ ANH - KIM LAN

.
.
.