.

Sản phẩm OCOP tự tin ra thị trường tết

Cập nhật: 08:56, 07/02/2024 (GMT+7)

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tập trung sản xuất đáp ứng thị trường Tết Giáp Thìn 2024. Với chứng nhận OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống đủ tự tin ra thị trường tết cạnh tranh với các sản phẩm khác.

SẢN PHẨM OCOP ĐƯỢC ƯA CHUỘNG

Những ngày cận tết, Cơ sở bánh tét Lệ Quyên của chị Phạm Thị Lệ Quyên (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) luôn đỏ lửa để kịp cho ra lò những đòn bánh thơm ngon phục vụ thị trường tết. Cơ sở của chị Quyên đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh tét nhân chuối và bánh tét nhân thập cẩm.

Các sản phẩm OCOP của Tiền Giang đa dạng và đóng gói đẹp mắt phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết.
Các sản phẩm OCOP của Tiền Giang đa dạng và đóng gói đẹp mắt phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết.

Chị Quyên chia sẻ, nấu bánh tét là nghề truyền thống của gia đình nhưng trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, chị đã nâng cấp bao bì với túi hút chân không, nhãn hiệu, thời hạn sử dụng rõ ràng giúp bánh đảm bảo vệ sinh nên được người tiêu dùng tin tưởng.

“Tết này, cơ sở của tôi được khách hàng đặt mua trước 10.000 bánh, chưa tính các khách đặt lẻ hằng ngày. Các sản phẩm bánh tét tết được đóng gói bao bì bắt mắt hơn, chất lượng bánh được nâng lên để cạnh tranh với các loại bánh đã có thương hiệu trên thị trường” - chị Quyên chia sẻ.

Bánh ngọt cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu hoặc sử dụng trong dịp tết. Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) đã có thâm niên sản xuất bánh quy dừa hơn 30 năm.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm về sức khỏe, làm đẹp được chứng nhận OCOP cũng mạnh dạn tham gia thị trường tết năm nay như các sản phẩm trà của Cơ sở Sản xuất thương mại dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) với 3 trong số các sản phẩm của cơ sở được công nhận OCOP 3 sao là Trà gan bôm bốp, Trà cốt vương và Trà Vương Hùng Thảo HP. Cơ sở đã đóng gói các sản phẩm thành các giỏ quà tặng combo được người tiêu dùng ủng hộ với hơn 500 bộ sản phẩm đã xuất ra thị trường.

Năm 2022, cơ sở có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm bánh quy dừa truyền thống, nhân thơm, đậu phộng. Đây là dấu mốc đánh dấu bước phát triển mới của cơ sở khi bánh tiếp cận được với thị trường và được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Tết năm nay, cơ sở cho ra mắt nhiều sản phẩm với bao bì khác; với lượng đặt hàng trước hơn 1.000 phần.

Tết này, Cơ sở sản xuất kẹo, mứt Anh Quí (phường 8, TP. Mỹ Tho) với các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: Mứt chuối, mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt gừng, kẹo dừa trái cây… tự tin tung ra thị trường tết, với bao bì đóng gói đẹp mắt.

Theo chị Cao Thị Anh Quí, các sản phẩm OCOP là nguồn hàng chủ lực, chiếm 60% sản lượng của cơ sở và được người tiêu dùng mua rất nhiều. Cơ sở đã đóng gói các loại mứt theo các combo 5 loại, 3 loại hoặc lẻ từng món giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ SẢN PHẨM OCOP

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được triển khai rộng khắp đến các xã trong tỉnh và đã có 91 xã của 11 huyện, thị, thành có sản phẩm OCOP với 119 chủ thể. Đối tượng tham gia sản xuất sản phẩm OCOP cũng khá đa dạng với 39 doanh nghiệp (chiếm 32,8%), 21 hợp tác xã (chiếm 17,7%), 59 cơ sở/hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh (chiếm 49,5%).

Cơ sở bánh tét của chị Lệ Quyên nhận đơn đặt hàng hơn 10.000 bánh cho các sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.
Cơ sở bánh tét của chị Lệ Quyên nhận đơn đặt hàng hơn 10.000 bánh cho các sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.

Chỉ tính trong năm 2023, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh Tiền Giang đã công nhận mới 85 sản phẩm OCOP (trong đó tỉnh công nhận mới 5 sản phẩm hạng 4 sao, cấp huyện công nhận mới 80 sản phẩm hạng 3 sao), đánh giá công nhận lại 2 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 259 sản phẩm OCOP; trong đó, 160 sản phẩm đạt 3 sao, 99 sản phẩm đạt 4 sao; sản phẩm Trà trái mãng cầu Xiêm của Công ty TNHH Travipha đang đề xuất đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, cơ cấu sản phẩm OCOP của Tiền Giang gồm các nhóm: Thực phẩm (200 sản phẩm, chiếm 77%); nhóm đồ uống (39 sản phẩm, chiếm 15%); nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu (10 sản phẩm, chiếm 4%); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (3 sản phẩm, chiếm 1%); nhóm sinh vật cảnh (3 sản phẩm, chiếm 1%); nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (4 sản phẩm, chiếm 2%).

Thời gian qua, ngành Công thương, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận và lan tỏa không chỉ trong dịp tết, mà còn hướng đến mở thêm các kênh tiêu thụ mới.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, Sở Công thương đã phối hợp với Sở NN&PTNT làm việc với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Go! Mỹ Tho… để phân phối các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh có một số điểm để trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Sở Công thương qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng đã quảng bá nhiều sản phảm OCOP để nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến.

Trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2024, Sở Công thương chú trọng đưa mặt hàng OCOP và đặc sản của tỉnh vào chợ truyền thống, siêu thị và các hệ thống tiêu thụ cả nước. Sở cũng tiếp tục làm việc với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… để đưa các sản phẩm này lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Sở cũng kết nối các doanh nghiệp, thương nhân phân phối ở nước ngoài để đưa sản phẩm đi tiêu thụ ở các thị trường lớn trên thế giới.

CAO THẮNG

.
.
.