Thứ Sáu, 30/03/2018, 21:25 (GMT+7)
.

facebook, Google...sắp"hết cửa" né thuế

Bộ Tài chính không chấp nhận “ngồi yên” với hàng trăm triệu USD doanh thu quảng cáo mỗi năm của Google, Facebook... bị thất thu thuế.
Mới đây, tại Dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã xây dựng một mục riêng về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam như Facebook, Google,…

a
Các nhà mạng nước ngoài đang chiếm 80% thị phần thương mại điện tử. Ảnh: S.T

Sốt ruột vì thất thu thuế
Thị trường trên internet của Việt Nam hầu như đang nằm hoàn toàn trong tay các công ty nước ngoài. Mạng xã hội nước ngoài chiếm 95%, tương tự các công cụ tìm kiếm 98%; thương mại điện tử 80%… Bao trùm lên các lĩnh vực trên là số tiền thu được từ quảng cáo. Hiện nay, tiền quảng cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và YouTube chiếm tới 80% thị phần. Riêng số tiền mà hai công ty Facebook và YouTube năm 2017 thu được là 320 triệu USD.

Bộ Tài chính đề nghị NHNN hướng dẫn các Ngân hàng thương mại  khấu trừ  thuế nhà thầu  trước khi chuyển tiền thanh toán cho các nhà mạng nước ngoài.
Tuy nhiên, thời gian qua, những khoản thuế từ doanh thu quảng cáo nói trên đều không thu được, khiến ngân sách nhà nước mỗi năm thất thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng tiền thuế từ các đơn vị này.

Để giải quyết vấn đề này, trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính có đưa ra đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thông qua cổng thanh toán nội địa (Công ty CP thanh toán quốc gia - NAPAS) để kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.

Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, YouTube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, NHNN không đồng tình với đề xuất này và cho rằng Bộ Tài chính phải chủ trì và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các Ngân hàng thương mại thực hiện.

Bộ Tài chính cần cẩn trọng

Trao đổi với Báo DĐDN về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC cho rằng, đề nghị của Bộ Tài chính là một cách quản lý tốt có thể thực hiện. “Tuy nhiên, vấn đề thu thuế gì, thu bao nhiêu, thu thế nào, có hợp lý, khả thi hay không là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính cần chủ động chủ trì xây dựng hành lang pháp lý. Khi có luật, NHNN lúc đó sẽ làm dịch vụ thanh toán, kiểm soát việc thanh toán có đúng hay không, chuyển tiền như thế nào, cơ sở để đảm bảo nguồn tiền tệ quốc gia, đảm bảo ngoại hối tránh phòng chống rửa tiền, hay thực hiện những cam kết quốc tế… Đồng thời, NHNN sẽ đứng ra hướng dẫn, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ, kiểm soát, khấu trừ thuế theo luật định“, Luật sư Đức cho hay.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, phía Bộ Tài chính cũng cần giải quyết được bản chất của những khoản thanh toán qua hệ thống ngân hàng cho mục đích gì. Bởi có nhiều khoản thanh toán của khách hàng là để mua sắm chứ không phải mua quảng cáo của Facebook, Google... Nếu không tách bạch, không có hướng dẫn cụ thể, sẽ dẫn đến tình trạng tận thu, thuế chồng thuế.

Vì vậy, giải pháp để thu thuế được các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài nói chung và Facebook, Google nói riêng, đó là Bộ Tài Chính cần “soi” lại lịch sử thanh toán cho phía nước ngoài của cá nhân theo hình thức nào, từ đó mới có biện pháp kiểm soát được. Hơn nữa, Việt Nam hiện nay ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với khoảng 70 nước. Đây là vấn đề cơ quan xây dựng luật cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.