Thứ Sáu, 26/04/2019, 21:00 (GMT+7)
.

Nỗ lực ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi

Cho vay nặng lãi cùng những hậu quả của nó đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Tiền Giang, mấy năm gần đây, tình trạng này xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Hậu quả là, nhiều người bị hành hung, đe dọa, khủng bố tinh thần, bỏ đi khỏi địa phương để “trốn nợ”; tình trạng đòi nợ thuê, hành hung con nợ… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương.

Kiểm tra, phát hiện vi phạm tại khu phố Mỹ Thạnh Hưng, phường 6, TP. Mỹ Tho.
Kiểm tra, phát hiện vi phạm tại khu phố Mỹ Thạnh Hưng, phường 6, TP. Mỹ Tho.

"TIẾP THỊ" KHẮP NƠI

Nhiều người dân bức xúc vì tường nhà, bờ rào của gia đình mình trở thành nơi “quảng cáo” của đối tượng cho vay nặng lãi.

Có gia đình vừa mới sơn tường xong, sáng hôm sau đã thấy hàng chục tờ quảng cáo cho vay dán chi chít. Các tờ rơi quảng cáo “cho vay không cần thế chấp” dán khắp nơi, từ cổng trường, khu nhà trọ, đến trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông…; thậm chí ở cả những nơi như: Đình, chùa, miếu, tường rào khu di tích.

Với những lời rao hấp dẫn như: Giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân…, nhiều người túng quẫn cần tiền đã tìm đến loại hình cho vay này cho dù lãi suất rất cao, sau đó không khả năng chi trả, dẫn đến nợ nần chồng chất, có trường hợp phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú, như trường hợp của bà X. ở huyện Châu Thành, do cần vốn buôn bán, bà đã vay 5 triệu đồng của một nhóm cho vay nặng lãi, mỗi ngày bà góp 200.000 đồng.

Buôn bán khó khăn, chỉ nộp trễ 1 - 2 ngày là bà bị đe dọa. Quá hoảng sợ, bà tiếp tục “dính bẫy”, đi “vay nóng” chỗ khác để trả góp chỗ này. Cứ như vậy, lãi chồng lãi, đến khi số nợ đã lên đến hơn trăm triệu đồng, bà đành trốn khỏi quê đi nơi khác.

Nạn nhân của tình trạng cho vay nặng lãi không chỉ có người dân làm ăn chân chính bị kẹt vốn, mà còn có cả người nghiện ma túy, đối tượng mê cờ bạc, những người ít hiểu biết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại thích đua đòi nên dễ rơi vào những mánh khóe dẫn dụ của đối tượng cho vay nặng lãi.

Có trường hợp lâm cảnh nợ nần phải bán nhà, bán đất để trả nợ chỉ vì trước đó “lỡ” vay nặng lãi để xây nhà, sắm xe, rồi lãi chồng lãi, không còn khả năng chi trả.

Khi bị đe dọa, hành hung, họ buộc phải bán đi số tài sản cuối cùng để trả nợ, nhưng thực chất là “cấn trừ nợ”.

Có những người không hề vay nợ nhưng phải gánh nợ do con cái vay tiền mua ma túy, vay tiền đánh bạc.

Thông thường, vay nặng lãi thì không cần thế chấp, nhưng ít có con nợ nào dám quỵt nợ, vì bọn cho vay nặng lãi có liên quan đến côn đồ, đòi nợ thuê, chúng thường thuê những đối tượng nghiện ma túy, côn đồ để thu nợ.

NỖ LỰC CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Để đấu tranh với tội phạm này, Công an tỉnh mở cao điểm xử lý tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Qua đó, lực lượng Công an phát hiện và xử lý nhiều nhóm đối tượng.

Đơn cử như: Công an huyện Chợ Gạo mời làm việc nhóm 11 đối tượng có hành vi đòi nợ thuê. Qua kiểm tra, phát hiện 1 bình xịt hơi cay, trong xe máy còn có côn 3 khúc và dao bấm. Qua làm việc, cả nhóm khai được thuê đến nhà của “con nợ” để đòi 150 triệu đồng, nếu đòi được mỗi đối tượng sẽ được trả công 1 triệu đồng.

Qua thực hiện cao điểm, lực lượng Công an toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 8 công ty núp bóng doanh nghiệp để hoạt động cho vay, 213 đối tượng từ nơi khác đến hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh ta.

Tổ công tác của Công an tỉnh kiểm tra hành chính căn nhà số A30, khu phố Mỹ Thạnh Hưng, phường 6, TP. Mỹ Tho, phát hiện 7 đối tượng có hành vi tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi ở tỉnh khác đến, đã thu giữ nhiều tài liệu có liên quan gồm: 42 quyển sổ ghi thông tin về số nợ mà các đối tượng cho người khác vay tiền, nội dung chi trả nợ góp, 110 hồ sơ vay tiền, 6 gậy đánh bóng chày, 1 côn tam khúc, 4.000 tờ rơi quảng cáo cho vay, 6 mô tô không chính chủ. Các đối tượng đã thừa nhận hành vi tổ chức hoạt động cho vay tiền góp với lãi suất từ 20% - 28%/tháng.

Công an huyện Gò Công Đông đang củng cố chứng cứ để xử lý hành vi cho vay nặng lãi (20%/tháng) đối với Trần Văn Tùng, ngụ ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn TX. Gò Công, lực lượng Công an đã bắt giữ một nhóm gồm 7 đối tượng cùng ngụ tại TP. Hà Nội, chuyên cho vay nặng lãi, hoạt động trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận.

Ngoài công tác tấn công, trấn áp, xử lý tội phạm và vi phạm, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn được đẩy mạnh.

Trong đó, chú trọng đến biện pháp ngăn chặn nguồn thông tin, quảng cáo cho vay không cần thế chấp (thực chất là cho vay nặng lãi) lan truyền đến người dân. Nhiều nơi ra quân tháo gỡ quảng cáo loại này.

Trên địa bàn huyện Châu Thành, đoàn viên, thanh niên Công an huyện phối hợp với Huyện đoàn ra quân thực hiện việc tháo gỡ, bóc xóa các tờ rơi có nội dung: “Cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay”, “Vay vốn đáo hạn ngân hàng”… và các bảng quảng cáo, rao vặt trên các tuyến giao thông, khu hành chính, các chợ, trường học và khu dân cư.

Trên địa bàn huyện Chợ Gạo, Công an huyện đã xây dựng Kế hoạch liên ngành, phối hợp với Huyện đoàn tổ chức các hoạt động ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cho vay lãi suất cao.

Liên ngành Công an huyện và Huyện đoàn tổ chức ra quân tháo, gỡ bỏ các tờ rơi quảng cáo, rao vặt trên địa bàn.

Song song đó, lực lượng làm nhiệm vụ còn tổ chức tuyên truyền lưu động những quy định xử phạt đối với các hành vi quảng cáo, phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn xã hội; cảnh báo hệ lụy của tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, hậu quả của việc vay nặng lãi và các biện pháp phòng ngừa…

Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm cho vay nặng lãi, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tấn công trấn áp, xử lý để răn đe tội phạm của ngành chức năng, thiết nghĩ người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố cáo khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; nên thận trọng và tránh xa các hình thức vay nặng lãi.

VĨNH HẬU

.
.
Liên kết hữu ích
.