Thứ Tư, 01/05/2019, 14:21 (GMT+7)
.

Giá như…

Trước Hội đồng xét xử, bị cáo đứng dậy, quay mặt về phía gia đình các bị hại cúi đầu thay lời xin lỗi. Nén nỗi đau mất người thân, gia đình các bị hại mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo…

THẢM KỊCH TỪ NẸT PÔ XE

Xe đặc chủng vừa đến sân tòa, bạn bè của các bị cáo chạy lại đón “chiến hữu”. Lâu ngày gặp lại bạn bè, các bị cáo tươi cười nhưng vụt tắt ngay khi thấy gia đình các bị hại ngồi chờ bên ngoài sảnh tòa án.

Ngoài gia đình các bị cáo và bị hại, phiên tòa xét xử hôm ấy có khá đông thanh niên là bạn của các bị cáo.


Những người có mặt trong phiên tòa ngồi yên lặng nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đọc cáo trạng, nội dung tóm lược như sau: Khoảng 21 giờ ngày 3-5-2018, Đ.L.M.N. (sinh năm 1998, trú xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước) chở bạn đến thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành uống cà phê.

Khi đến ngã ba đường vào khu tái định cư Tân Hương, thấy phía trước có mô tô chạy hàng ngang, N. chạy vượt lên nẹt pô, đã bị V.T.B. (sinh năm 1980, trú xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành) điều khiển mô tô chở N.M.T.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

(sinh năm 1990, trú xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) tăng ga rượt theo, ép đầu xe của N., để T. ngồi phía sau cầm nón bảo hiểm đánh bạn của N. nhưng không trúng. Thấy vậy, B. dùng chân đạp vào xe của N., nhưng N. kịp lách xe ra, rồi chạy ra ngã ba chợ mới (đường vào Khu công nghiệp Long Giang).

Sau đó, B. và T. chạy xe vào tiệm bán màn rèm (do B. thuê mặt bằng kinh doanh, tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành). N. thấy B. cầm hung khí chặn đường nên điện thoại cho Nh. để báo tin có người rượt đánh mình, nhờ ra rước về và nhắc Nh. khi đi nhớ mang theo “hàng nóng” (tiếng lóng là dao mác tự chế, mã tấu…).

Nh. báo tin lại cho P.K.Đ. (sinh năm 1995, trú xã Tân Hương, huyện Châu Thành). Đ. lấy dao cán gỗ, mũi bằng và thủ sẵn trong người con dao Thái Lan.

Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, Đ. và Nh. điều khiển xe đến gần cửa tiệm màn rèm gọi điện thoại cho N. và bạn chạy lại.

Lúc này, B. cầm kiếm từ trong tiệm màn rèm đi ra, N. và bạn bỏ chạy. Đ. cầm dao chém nhau với B.

Thấy vậy, T. cầm đoạn gỗ tròn chạy đến chỗ B. và Đ. đang chém nhau, N. giật con dao Thái Lan trên tay của Nh. đâm liên tiếp vào người T., sau đó đâm vào hông phải và vai B.

Hậu quả, Đ. bị B. chém 1 nhát vào đầu với tỷ lệ thương tích 14%, B. bị Đ. chém vào tay phải với tỷ lệ thương tích 48% và T. tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Giờ đây, đứng trước phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, bị cáo N. bị truy tố về tội “giết người”, bị cáo Đ. và B. về tội “cố ý gây thương tích”.

Riêng B. vừa là bị cáo vừa là bị hại trong vụ án này. Trong bản cáo trạng, lý lịch của các bị cáo như một gam màu không mấy sáng sủa: Một người từng có hành vi cố ý gây thương tích, một người từng bị đưa vào trường giáo dưỡng, còn người kia từng ở tù 8 năm.

GIÁ NHƯ…

Sự quanh co của các bị cáo khi kể về chi tiết “hàng nóng” đem đi gây án làm vị thẩm phán bực mình, đã chau mày hỏi hoặc giải thích liên tiếp: “Sao bị cáo N. biết Nh. có “hàng nóng”? “Chẳng lẽ chỉ có dao, mác mới giải quyết được vấn đề. Nếu các bị cáo giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng lời nói thì đâu có xảy ra sự việc đau lòng, bị cáo phải đứng đây và bị lãnh án”.“Với bạn bè của bị cáo, đáng lẽ can ngăn, đã vậy còn đem hung khí đến giúp bạn giải quyết mâu thuẫn”. “Tại sao lúc gọi bạn bè ra hỗ trợ, bị cáo không gọi về hỏi cha mẹ: Mình làm như vậy là đúng hay sai?”.” Sao lúc đó bị cáo không nghĩ đến cha mẹ”…

Những câu nói và giải thích của vị thẩm phán làm thức tỉnh các bị cáo. Các bị cáo cúi đầu thấp hơn.

“Trong thời gian tạm giam, bị cáo rất hối hận về  hành vi của mình gây ra. Giá như…” - bị cáo N. nước mắt rưng rưng nói với Hội đồng xét xử khi nhìn thấy người mẹ đang ngồi dựa người ra phía sau một cách bất lực.

Giờ đây, những câu nói giá như… muộn màng từ bị cáo như một bài học chung cho tuổi trẻ bồng bột.

Phía hàng ghế bị hại, con của bị hại T. đang học lớp 2 ngồi lọt thỏm trên ghế, chốc chốc dựa vào bà nội đang khóc thút thít, hỏi: “Sao nội khóc!?”.

Người bà chỉ biết lắc đầu và lau nước mắt. Dường như cháu không hiểu chuyện gì đang xảy ra và không biết người đang ngồi kia đã đưa cha mình sang một thế giới khác.

Mẹ bị hại đứng dậy: “Mong tòa giảm nhẹ án cho bị cáo N. Tôi mong bị cáo sớm ra tù để trở thành người có ích cho xã hội. Còn tiền bồi thường, bị cáo bồi thường bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu, chỉ mong bị cáo chu cấp hằng tháng cho con thằng T. là được…”.

Mẹ của T. vừa xoa đầu đứa cháu 8 tuổi vừa kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh của cháu nội. Mẹ cháu bỏ đi khi cháu vừa 5 tuổi. Giờ đây, cháu là trẻ mồ côi, sống với ông bà nội và người chú (sinh đôi với bị hại T.) trong căn nhà nhỏ ở xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo.

Còn vợ của bị cáo Đ., lau vội nước mắt, bước lên xin lực lượng bảo vệ phiên tòa cho chồng mình xem hình đứa con trai mới hơn 4 tháng tuổi. Bạn bè của bị cáo Đ. cho biết, lúc Đ. bị bắt, chưa biết vợ mình đang mang thai.

Đúng 12 giờ 30 phút, Hội đồng xét xử mới nghị án xong, cả khán phòng ngồi yên lặng nghe tòa tuyên án: Bị cáo N. 18 năm tù về tội “giết người” và bản án 2 năm tù giam của TAND huyện Tân Phước, tổng cộng bị cáo N. chấp hành hình phạt 20 năm tù giam.

Bị cáo Đ. 7 năm tù và bị cáo B. 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, các bị cáo N. và Đ. phải có trách nhiệm bồi thường cho các gia đình bị hại.

VĂN THẢO

.
.
.