Thứ Hai, 06/05/2019, 10:47 (GMT+7)
.
Lừa đảo qua mạng xã hội và những bài học

Nhận diện thủ đoạn

Bài 1: Lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo

Thượng tá Phan Tấn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh cho biết, đa số nạn nhân bị lừa qua mạng xã hội là phụ nữ, đang gặp chuyện buồn tình cảm nên dễ tin vào những hứa hẹn tốt đẹp. Bọn tội phạm lừa đảo giả vờ làm quen, rồi dàn dựng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của chị em. Phổ biến nhất là chúng thường sử dụng các nick name nước ngoài, tự xưng là quân nhân, muốn tặng tiền, quà cho người nhận hoặc đầu tư làm ăn, hoặc muốn làm từ thiện nhờ nhận quà giúp để phân phát cho những hoàn cảnh khó khăn. Sau đó có một nhóm gọi điện thoại thông báo nhận hàng, yêu cầu nộp phí, thông báo hàng quá trọng lượng, nộp phạt…

Một nạn nhân đang kể lại sự việc bị lừa  với điều tra viên và phóng viên.
Một nạn nhân đang kể lại sự việc bị lừa với điều tra viên và phóng viên.

Một thủ đoạn khác là thông báo cho trúng thưởng khuyến mãi với những phần quà và số tiền mặt có giá trị rất cao, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền nộp phần chi phí rất nhỏ để nhận thưởng. Sau khi chiếm đoạt số tiền bị hại gửi, chúng tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần với những lý do khác nhau nhằm chiếm đọat.

Có thể nói, thủ đoạn của bọn tội phạm lừa qua mạng không mới, lặp đi, lặp lại nhiều lần, với nhiều người. Có rất nhiều người dùng mạng xã hội nhận được những tin nhắn gạ gẫm, hứa hẹn tương tự, nhưng phần lớn đều bỏ qua, xóa kết bạn hoặc cung cấp thông tin cho lực lượng Công an. Chỉ có số ít người đang hụt hẫng về tâm lý, thiếu tỉnh táo và cũng có phần hám lợi nên bị lừa.

Để phòng tránh, lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền, kể cả trên các trang mạng xã hội cũng có rất nhiều cảnh báo về loại tội phạm này. Mọi người cần tìm hiểu và cảnh giác.

Khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội, cần kiểm tra lại thật kỹ, không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng, đặc biệt là cảnh giác với những hứa hẹn tặng “quà khủng” từ những người chỉ biết qua nick name trên mạng, hoặc mời nhận hàng, nộp phí qua điện thoại nhưng lại yêu cầu giữ bí mật, không cho người thân biết.

Trong trường hợp có người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber... nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để xác nhận nội dung thông tin, tránh bị lừa đảo; không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân, giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại của bản thân và gia đình cho đối tượng. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.

VĨNH HẬU

.
.
.