Thứ Bảy, 02/05/2020, 09:33 (GMT+7)
.

"Hoa thắm" trên đất phèn

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ, ngày 3-4-1976 Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Trần Quyết ký Quyết định 01 thành lập Trại Cải tạo Đồng Tháp (nay là Trại giam Phước Hòa) và chọn xã Tân Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An làm nơi đóng quân (hiện nay là xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Hội thi Gói bánh chưng, bánh tét Xuân 2020 của CBCS Trại giam Phước Hòa. 	Ảnh: DUY NHỰT
Hội thi Gói bánh chưng, bánh tét Xuân 2020 của CBCS Trại giam Phước Hòa. Ảnh: DUY NHỰT

Đến nay, Trại giam Phước Hòa đã trải qua nhiều lần chuyển giao quản lý, thay đổi tên gọi, nhưng chức năng, nhiệm vụ và tinh thần nhất quán của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của trại giam vẫn trước sau như một: Trách nhiệm, tâm huyết, bảo vệ tuyệt đối an toàn trại trong mọi tình huống.

Ở NHÀ TẠM, ĂN CƠM SỐNG

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, quân số của trại chỉ có 5 cán bộ và 11 chiến sĩ trên vùng đất rộng hàng ngàn ha, hoang sơ, thâm u. CBCS phải ở tạm tại 1 phòng học cũ, cùng với việc tiếp nhận 21 phạm nhân. Chỗ ở của CBCS được ngăn đôi, phạm nhân một bên, CBCS một bên. Khó khăn trăm bề, trại giam vẫn phải đảm bảo chế độ, chính sách cho phạm nhân và đảm bảo an toàn trong giam giữ, hiệu quả trong giáo dục, cải tạo. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe, tinh thần công tác cho CBCS.

Thượng tá Giang Thanh Bằng, nguyên Phó Giám thị Trại giam Phước Hòa (công tác từ năm 1978) kể: “Mùa lũ, nước lên thì kê nhà lên, sống chung với lũ mà. Trời mưa, ăn cơm sống là chuyện bình thường vì chất đốt chính là cỏ mà có phơi được đâu. Thức ăn chính là cá mình tự bắt, khoai tự trồng. Đến năm 1981, nơi đây mới có màu xanh do phát động CBCS và phạm nhân trồng tràm”. 

Có ai là người bình thường lại muốn đến nơi này. Cho nên muốn làm thay đổi suy nghĩ, hành vi, diễn biến tâm lý, tình cảm vô cùng phức tạp của phạm nhân, CBCS ngoài tình thương, trách nhiệm, còn phải có bản lĩnh và sự bao dung.

Bao dung ở đây là thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, là sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, kịp thời giáo dục, cải tạo phạm nhân, huy động sự đóng góp của các cấp, các ngành, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội. Có như thế, người phạm tội hoàn lương, khi trở về với đời mới có cơ hội vươn lên, sống tốt, tránh được tình trạng tái phạm.

THƯỢNG TÁ NGUYỄN VĂN ĐÔNG, GIÁM THỊ TRẠI GIAM PHƯỚC HÒA

Những năm đầu mới thành lập, trại có rất ít cán bộ nữ. Khi đối diện với khó khăn, đồng đội luôn sát cánh bên nhau cùng vượt qua và từng bước trưởng thành, vững mạnh.

Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân, nguyên cán bộ Trại giam Phước Hòa kể: “Ngày trước, từ đơn vị muốn mua sắm phải ra Cai Lậy. Cơ quan đi thì dùng xuồng máy, cán bộ đi cá nhân thì đạp xe đạp, mùa nước lũ thì cứ bì bõm lội bộ. Gian khổ vậy nhưng CBCS yêu thương nhau như người thân trong gia đình”.

Vượt qua những khó khăn buổi đầu, Trại giam Phước Hòa thực hiện tốt chủ trương chăn nuôi, sản xuất, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, tăng cường sức khỏe cho phạm nhân. Với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ, trại dần hoàn thiện về cơ cấu tổ chức bộ máy và trang thiết bị phục vụ công tác.

Nếu như những ngày đầu, trại chỉ có 1 chi bộ với 5 đảng viên, 1 chi đoàn với 6 đoàn viên, trình độ hầu hết là sơ cấp, chỉ có 5% được qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học, thì hiện nay, Đảng bộ Trại giam Phước Hòa đã có hàng trăm đảng viên, với gần 80% CBCS có trình độ trung cấp trở lên. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ tốt yêu cầu công tác của CBCS, đáp ứng quy mô giam giữ 3.000 phạm nhân.

NIỀM VUI KHI PHẠM NHÂN HOÀN LƯƠNG

Thực tế trưởng thành của đơn vị đã khẳng định tinh thần vượt qua khó khăn thử thách, thể hiện bản lĩnh công tác, chiến đấu của tập thể CBCS Trại giam Phước Hòa. Ban Giám thị trại qua các thế hệ luôn đoàn kết, nhất quán trong hành động, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đơn vị hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo trại giam luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng - Xây dựng lực lượng, quy hoạch, đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, ngoại ngữ cho CBCS.

Mỗi CBCS cũng nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0. Đại úy Nguyễn Vĩnh Nghi, Trung đội trưởng Trung đội Cảnh sát bảo vệ Trại giam Phước Hòa tâm tình, ngày mới nhận công tác, Nghi vô cùng bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng với sự yêu thương, dìu dắt của đồng đội đi trước, Nghi đã quyết tâm phấn đấu, rèn luyện và luôn nhắc nhở mình một cách nghiêm khắc: Phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.

Với tinh thần đó, CBCS Trại giam Phước Hòa chú trọng thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân địa phương, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nơi đóng quân thông qua các hoạt động xã hội tình nghĩa như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp dân khắc phục thiên tai, xóa khó, giảm nghèo, ổn định chỗ ở với kinh phí hàng tỷ đồng. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc xung quanh khu vực trại đóng quân.

Với nỗ lực trên, trại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba và 6 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Song, phần thưởng đem lại niềm vui lớn nhất cho CBCS Trại giam Phước Hòa là thời gian qua, trại luôn đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; hàng chục ngàn lượt phạm nhân đã được giáo dục, cải tạo thành người lương thiện, được trở về với gia đình và xã hội. Rất nhiều người xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Dù hôm nay cơ sở vật chất đã khang trang hơn, điều kiện công tác tốt hơn, đồng phèn đã được cải tạo để trồng trọt, chăn nuôi…, nhưng các loại tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Khó khăn đó lại thêm phần thử thách bản lĩnh, ý chí tiến công của CBCS trại giam.

Trong những dịp quây quần ấm áp bên nhau, đồng đội lại nhắc nhở nhau về những tháng ngày vượt khó, cùng chia sẻ, cảm thông, động viên nhau phấn đấu. Tình đồng đội chính là sức mạnh, là sợi dây kết nối giữa đất và người ở nơi này.

Đã qua rồi một thời gian khó, giờ đây giữa rừng tràm xanh ngút ngàn có những ao sen hồng tươi trẻ. Giữa đồng phèn, mồ hôi người đổ xuống cho “hoa thắm” vươn lên. Bao tâm sức của CBCS Trại giam Phước Hòa bỏ ra đã kết thành quả ngọt khi mấy mươi năm qua đã có biết bao người lạc lối biết quay về với nẻo sáng, đường ngay. Trong khuôn viên Trại giam Phước Hòa, mỗi chiều về, CBCS không trực thường chọn niềm vui thư giãn bên những ao sen và cảm nhận khúc nhạc rừng ấm áp. Giữa rừng hoa có một loài hoa thắm nhất, lung linh trên đồng phèn trong màu áo xanh thầm lặng, giữ niềm tin, hy vọng cho cuộc sống bình yên.

VĨNH HẬU

.
.
.