Thứ Hai, 04/07/2022, 10:49 (GMT+7)
.
NHỨC NHỐI NẠN "CÁT TẶC"

BÀI 1: Theo dấu "cát tặc"

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, khoáng sản cát lòng sông được phân bố dọc theo tuyến sông Tiền từ xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) đến sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (giáp Biển Đông của huyện Tân Phú Đông). Chính nguồn tài nguyên cát dồi dào nên nạn “cát tặc” hoạt động trong nhiều năm qua. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý, nhưng đến nay “cát tặc” vẫn “đánh cắp” tài nguyên gây bức xúc dư luận.

Vấn nạn “cát tặc” nhiều năm qua đã trở thành nỗi lo của chính quyền địa phương, người dân sống dọc trên sông Tiền và nhất là các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Công tác tuần tra, mật phục đến vây ráp để bắt giữ các đối tượng “cát tặc” đều phải thực hiện vào đêm khuya, trên địa hình sông nước hoặc cửa biển nên lực lượng trinh sát thực hiện nhiệm vụ truy bắt các đối tượng này thường xuyên phải đối đầu với nhiều khó khăn, nguy hiểm.

ĐI VÀO “ĐIỂM NÓNG”

Trung tuần tháng 5, nhận được tin báo từ người dân về một “điểm nóng” khai thác cát trên sông Tiền xuất hiện nhiều tháng qua, chúng tôi có mặt tại khu vực sông Cửa Trung (đối diện cù lao Thới Trung) thuộc địa bàn xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Nhiều sà lan và tàu ngang nhiên khai thác cát trên sông Tiền (đoạn sông Cửa Trung, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông).
Nhiều sà lan và tàu ngang nhiên khai thác cát trên sông Tiền (đoạn sông Cửa Trung, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông).

Đúng 17 giờ, để thuận tiện cho việc ghi hình hoạt động của “cát tặc”, chúng tôi theo chân người dân địa phương len lỏi từ rạch vàm Cả Thu để ra sông, nhằm tránh sự chú ý của những cảnh giới khác. Người đưa chúng tôi từ rạch ra sông cho biết: “Trước khi bắt đầu hút cát, họ thường bố trí tai mắt khắp nơi, thậm chí có cả người địa phương, nếu thấy có động tĩnh hay hiện tượng lạ, việc hút cát sẽ tạm dừng lại, sau đó đưa tàu di chuyển đến chỗ khác, khi nào yên ắng sẽ trở lại khai thác tiếp”.

Qua nhiều đêm theo dõi tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến có ít nhất 8 sà lan chuyên chở và hàng chục tàu gỗ hút cát vây quanh. Khi màn đêm buông xuống, hàng chục tàu gỗ ẩn sâu trong các con rạch bắt đầu xuất hiện, tiếng “ầm ầm” bắt đầu to dần từ 19 giờ cho đến sáng ngày hôm sau. Hầu hết các tàu chỉ trang bị đèn le lói để “qua mặt” cơ quan chức năng và “che mắt” người dân.

Tuy nhiên, được người dân địa phương chỉ điểm, chúng tôi có thể thấy được các tàu gỗ “kéo quân” thi nhau hút cát lòng sông, sà lan khủng thì “chực chờ” để được bơm vào, không ít sà lan khủng còn được trang bị cả hệ thống cắm vòi quy mô để hút cát.

Quay trở lại đất liền lúc gần 2 giờ sáng, âm thanh tiếng máy bơm, hút ầm ầm vẫn còn đó, vang vọng cả một vùng. Tình trạng trên đã diễn ra nhiều ngày, nhiều tháng qua, cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn mét khối cát bị “rút ruột” và rơi vào túi riêng của “cát tặc”. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, việc khai thác khá rầm rộ và công khai, chúng tôi có thể bắt gặp và ghi hình “cát tặc” ngang nhiên sang cát từ tàu gỗ hút qua sà lan khi mặt trời đã lên cao (khoảng 7 giờ 30 sáng).

" Mặc dù công tác phòng, chống tội phạm trên biển còn muôn vàn khó khăn nhưng với phẩm chất người lính mang quân hàm xanh, chúng tôi kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa các tội phạm, góp phần bảo vệ vùng biên giới biển của tỉnh nhà”

THIẾU TÁ L.T.S., CÁN BỘ PHÒNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY VÀ TỘI PHẠM BĐBP TIỀN GIANG

Bức xúc trước tình trạng “cát tặc” lộng hành suốt gần 5 tháng qua, người dân địa phương đã phản ánh lên các cơ quan chức năng, nhưng đến nay tình trạng vẫn đâu vào đấy. Ông N.V.A. (một người dân địa phương) cho biết: “Người dân chúng tôi chứng kiến ghe hút cát hằng ngày như vậy, bất an với tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống nhưng không thể đuổi được vì bọn chúng hoạt động rất đông, có cả người địa phương tham gia và lo lắng cả việc bị trả thù.

Nhiều người dân phản ánh về xã, huyện, Công an tỉnh nhưng “cát tặc” vẫn cứ ngang nhiên hoành hành”. Còn theo ông T.H.P. (cũng là người địa phương), lâu lâu cũng nghe có đợt ra quân các lực lượng truy bắt được vài chiếc, nhưng sau đó tình trạng vẫn như cũ. “Ngày nào có đoàn kiểm tra, truy bắt thì tự nhiên các ghe này nghỉ, hoặc khi chúng tôi gọi điện thoại lên tỉnh thì tình trạng yên ắng hơn” - ông T.H.P. bức xúc nói.

Trở về cùng người dân sau một đêm thức trắng theo dấu “cát tặc”, chúng tôi không khỏi băn khoăn vì sao tình trạng “cát tặc” “đánh cắp” tài nguyên trên địa bàn tỉnh vẫn ung dung trong một thời gian dài…

TUẦN TRA GIAN NAN

Chúng tôi theo chân Tổ công tác Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Tiền Giang sau một đêm trắng tuần tra, mật phục truy đuổi bắt giữ 8 phương tiện, 55 người đang vận chuyển cát trái phép trên sông Cửa Tiểu (đoạn thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), mới cảm nhận một cách sâu sắc về những vất vả, hiểm nguy của các cán bộ, chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ.

Lực lượng BĐBP trắng đêm truy bắt “cát tặc”.
Lực lượng BĐBP trắng đêm truy bắt “cát tặc”.

Bất kể ngày hay đêm, trời nắng hay mưa, sóng to hay gió lớn, cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu. Chia sẻ với chúng tôi trong quá trình làm nhiệm vụ, một cán bộ thuộc Tổ công tác BĐBP tỉnh Tiền Giang tâm sự, để bắt “cát tặc” trên biển họ không khác gì những ngư dân lênh đênh nhiều ngày đêm trên biển, có khi nửa tháng hay 1 tháng mới về thăm nhà, chỉ có sóng to, gió lớn với màn đêm đen tối. Nhiều lúc đối diện với cánh cửa sinh tử chỉ trong gang tấc.

Theo lời kể của các chiến sĩ BĐBP tỉnh Tiền Giang, khi phát hiện có lực lượng chức năng truy bắt, các phương tiện đều quay đầu bỏ chạy ra các phía, tiến hành bơm và xả ngược cát xuống biển, thậm chí nhấn chìm phương tiện và sẵn sàng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.

Khi tiếp cận các phương tiện, đầu tiên là phải “ổn định tư tưởng” các đối tượng trên tàu, sau đó mới tiếp tục truy đuổi các tàu khác. Có thể nói, từ lúc phát hiện đến bắt gọn các tàu cát là cả một quá trình đấu trí cân não đối với các đối tượng “cát tặc”. Đặc biệt, việc truy đuổi trên biển hết sức hiểm nguy một khi gặp thời tiết xấu, sóng to, gió lớn.

Thiếu tá L.T.S., cán bộ Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Tiền Giang nhớ lại, trong một lần truy bắt tàu “cát tặc” trên khu vực vùng biển giáp ranh Tiền Giang - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, một đồng đội đã cận kề cửa tử.

Khi tàu tuần tra chuẩn bị cập mạn phương tiện “cát tặc” nhưng do sóng to, gió lớn, việc tiếp cận tàu cực kỳ khó khăn. Một chiến sĩ trong Tổ công tác khi bước sang tàu để tiếp cận đối tượng đã bị sóng ập vào, làm trượt chân mắc kẹt giữa 2 tàu, rất may đồng đội kịp thời kéo lên.

Còn nhớ năm 2009, tại tỉnh Tiền Giang có một thanh tra viên của Sở Tài nguyên và Môi trường hy sinh trong quá trình bắt “cát tặc” khi phát hiện ghe khai thác cát lậu tại ấp Thới Bình, xã Thới Sơn (nay thuộc TP. Mỹ Tho) đoạn sông gần đường dây dẫn điện từ xã Bình Đức, huyện Châu Thành sang xã Thới Sơn, cách cầu Rạch Miễu khoảng 3 km).

Trong quá trình áp giải phương tiện khai thác cát trái phép, 2 đối tượng gồm Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Phương (quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã đạp thanh tra viên này xuống sông khi ghe cách cồn Tân Long, TP. Mỹ Tho khoảng 100 m (cách vị trí bị bắt quả tang khai thác cát trái phép hơn 4 km) dẫn đến tử vong.

Thật vậy, mỗi chuyên án đều đối mặt những gian khổ, hiểm nguy khó lường. Tuy nhiên, các chiến sĩ không quản ngày đêm trinh sát, nắm tình hình, không quản sóng gió, tính mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giữa muôn trùng sóng gió, gian nan, cuộc chiến “cát tặc” của những chiến sĩ Công an, BĐBP tỉnh Tiền Giang chưa bao giờ ngừng nghỉ. Những chiến công thầm lặng của các anh đã bảo vệ con sông, thước đất, cho người dân có cuộc sống yên bình...

HOÀNG ANH - ĐỨC ÁI
(Còn tiếp)

 

.
.
.