.

Nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng

Cập nhật: 10:14, 03/08/2022 (GMT+7)

Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là lĩnh vực không gian mạng đã tạo hiệu ứng tích cực cho các giao dịch, giao tiếp xã hội. Bên cạnh những tiện ích mà không gian mạng mang lại, đây cũng là “mảnh đất” béo bở cho tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động.

THỦ ĐOẠN TINH VI

Trong thời gian qua, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường rất tinh vi, sử dụng đánh vào tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn ở những người đang cần tiền để tiêu dùng.

Cụ thể, đầu năm 2022, chị Hà (tên bị hại đã được thay đổi, cư trú TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) lướt Facebook tìm thấy thông tin tuyển dụng về công việc nhân viên chốt đơn online trên trang “Shopee MTV” nên đã nhắn tin và được một người tự xưng là quản lý nhân sự của Công ty cổ phần Quảng cáo REDDER ASIA (địa chỉ: LIM Tower 3, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) tên Phạm Minh Ngọc hướng dẫn chốt đơn mua hàng online để nhận tiền hoàn đơn cùng với tiền hoa hồng.

Tin lời, từ ngày 31-12-2021 đến ngày 4-1-2022, chị Hà đã chuyển 3,129 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng: số 14910000262557 (BIDV), tài khoản số 3128689999 (Vietcombank), tài khoản số 563999999999 (MB) theo yêu cầu của các đối tượng.

Sau khi thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng xong, nhưng không nhận lại được tiền vốn cùng với tiền hoa hồng, liên lạc với các đối tượng không được, chị Hà biết mình bị lừa đảo nên đã có đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan Công an.

Nhiều vụ lừa đảo qua mạng xảy ra có trình báo và có trường hợp không trình báo cơ quan chức năng.
Nhiều vụ lừa đảo qua mạng xảy ra có trình báo và có trường hợp không trình báo cơ quan chức năng.

Hay mới đây, Công an TP. Mỹ Tho tiến hành điều tra trường hợp chị N.T.N.Q. (ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Lúc 14 giờ ngày 17-6-2022, chị N.T.N.Q. nhận được điện thoại di động từ số lạ, người điện thoại nói chuyện với chị là nam thanh niên nói giọng miền Bắc, tự xưng là Cảnh sát giao thông Công an TP. Đà Nẵng thông báo là chị đã vi phạm pháp luật, yêu cầu chị phải hợp tác điều tra và không được tiết lộ thông tin này cho người khác.

Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 20-6-2022, đối tượng tiếp tục liên lạc với chị Q. qua phần mềm “LINE” trên điện thoại. Sau đó, chị Q. tải về 2 phần mềm có tên “TESTFLIGHT”, “HMKIVN” và đăng nhập tài khoản của BIDV vào phần mềm trên để đối tượng kiểm tra. Sau khi đăng nhập trong 2 ngày 20 và 21-6, chị Q. kiểm tra lại tài khoản của mình thì phát hiện mất số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Trước đó vài ngày, chị N.T.H.O. (ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) lên điện thoại di động tải ứng dụng “VCN” với mục đích bán hàng trên mạng xã hội. Sau khi sử dụng ứng dụng trên, chị O. được người của đại diện ứng dụng liên hệ và yêu cầu chuyển tiền để nâng điểm chọn sản phẩm và được chuyển trả lại kèm theo tiền hoa hồng.

Sau đó 1 ngày, chị O. đã chuyển tổng cộng 27 triệu đồng đến 2 số tài khoản mà người của đại diện ứng dụng liên hệ đã cho. Sau khi chuyển tiền xong, chị O. không thấy người đại diện “VCN” liên hệ và chuyển tiền trả lại nên chị trình báo cơ quan Công an.

Theo Thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng Công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, khi đã tiếp cận được các “con mồi”, các đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.

Bằng các thủ đoạn hứa hẹn sẽ cho vay số tiền lớn, thủ tục nhanh, nhưng để đảm bảo việc vay nhanh chóng, thuận lợi, các đối tượng luôn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt tài sản.

Lý do các đối tượng đưa ra như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản nhằm phi tang chứng cứ.

BỖNG NHIÊN BỊ ĐÒI NỢ

Mặc dù không vay mượn, thậm chí không hề bảo lãnh nợ vay cho bất kỳ ai, thế nhưng không rõ nguyên nhân từ đâu mà nhiều người bỗng dưng bị các đối tượng lạ khủng bố bằng tin nhắn đòi nợ qua điện thoại, cắt ghép hình ảnh kèm theo những nội dung thô tục, khiếm nhã đưa lên các mạng xã hội nhằm gây áp lực để sớm thu hồi nợ.

Chị T.T.P. (40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) làm nghề buôn bán kể lại sự việc, một ngày đầu tháng 7, khi đang ngồi trông con, chị P. nhận được cuộc gọi từ số lạ. Sau khi nhấc máy, chị P. được đầu dây bên kia yêu cầu trả 20 triệu đồng, tính cả gốc lẫn lời.

“Nghe xong cuộc gọi, tôi đã đứng hình và ngỡ ngàng, vì trước giờ không hề thiếu nợ ai. Tôi hỏi lại đầu dây bên kia thì họ bảo một người bạn trên Facebook vay tiền, sau đó đã cung cấp dữ liệu cá nhân. Họ nói người kia mất khả năng trả nợ và không truy tìm được nên đã yêu cầu tôi phải đứng ra trả thay số nợ này hoặc truy tìm người kia.

Trong khi đó, tôi không biết người đó là ai. Họ còn hăm dọa nếu tôi không trả sẽ dùng hình ảnh, thông tin cá nhân tôi để đăng vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng để đòi nợ. Để hạn chế cuộc gọi, tôi đành sử dụng số điện thoại khác để liên lạc. Không lâu sau đó, những hình ảnh của tôi đã bị họ tung lên Facebook với những lời lẽ khiếm nhã, khiến bạn bè người thân ngỡ ngàng” - chị P. bức xúc kể lại.

Không riêng gì chị P., anh V.S. (phường 5, TP. Mỹ Tho) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mặc dù không quen biết và không hề mượn nợ hay bảo lãnh tiền nợ cho bất kỳ ai, nhưng một ngày cuối tháng 6, anh S. bỗng dưng thấy hình ảnh của mình tràn ngập Facebook với nội dung ghi anh là đồng phạm thiếu nợ yêu cầu anh phải trả nợ.

Anh S. đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng và báo cáo sự việc tại cơ quan công tác. “Tôi và một số đồng nghiệp rất bức xúc vì bản thân không hề nợ nần hay vay tiền của bất kỳ ai mà họ lại xúc phạm như vậy. Thậm chí giữa khuya, tôi còn nhận cuộc gọi, tin nhắn, khủng bố. Sự việc đã ảnh hưởng đến tinh thần, công việc, uy tín, danh dự của tôi và đồng nghiệp rất nhiều” - anh S. kể. 

Chị P., anh S. là một trong nhiều nạn nhân bị các nhóm tín dụng đen bêu xấu trên mạng xã hội mặc dù bản thân không hề vay tiền hay bảo lãnh nợ vay của bất kỳ ai. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi vay tiền theo hình thức ứng dụng vay (app), người vay phải đồng ý bên cho vay được quyền truy cập danh bạ điện thoại cá nhân và danh sách bạn bè trên các mạng xã hội.

Nếu người vay không trả đúng hẹn thì bên cho vay sẽ truy cập vào danh bạ điện thoại này để liên lạc đòi nợ những người khác mặc dù không liên quan đến khoản vay của người vay. Đáng nói hơn, bên cho vay tiền còn truy cập mạng xã hội, cắt ghép hình ảnh với lời lẽ thô tục để gây áp lực sớm thu hồi nợ.

Thực hiện: TUẤN LÂM - ĐỖ PHI
 

.
.
.