Thứ Bảy, 13/05/2023, 22:08 (GMT+7)
.
NGĂN CHẶN "CÁI CHẾT TRẮNG"

BÀI 3: Vì đâu ma túy vẫn còn "đất sống"?

BÀI 2: Hệ lụy từ ma túy

BÀI 1: Ma túy - Cuộc chiến còn gian nan

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo số liệu và phân tích của ngành chức năng cho thấy, việc tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao.

NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Những năm qua, HĐND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều nghị quyết quy định mức hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng trở thành người hữu dụng cho gia đình và xã hội; đồng thời, giảm nguy cơ tái nghiện gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Cơ sở Cai nghiện ma túy được UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư, xây dựng với sức chứa trên 1.900 học viên. Hiện tại, cơ sở này đang quản lý 410 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc 390 học viên (7 nữ) và lưu trú xã hội 20 học viên (3 nữ).

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tiền Giang trong một lần đến thăm Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tiền Giang trong một lần đến thăm Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang, công tác cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh từng bước được thực hiện đi vào nền nếp, theo nội quy, quy chế quản lý học viên tại cơ sở, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người cai nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên đối với công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thanh Vân cho biết, trước đây, Tiền Giang đã thực hiện thí điểm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo Thông tư liên tịch 03 ngày 10-02-2012 của Bộ LĐ-TB&XH - Bộ Y tế - Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 94 ngày 9-9-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Theo đó, có 15 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ chi phí di chuyển, xét nghiệm, tiền cắt cơn, tiền ăn... trong 15 ngày đầu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh, sau khi ổn định sức khỏe, Sở làm thủ tục bàn giao chính quyền địa phương đón các đối tượng trở về tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tại cộng đồng, gia đình.

Tuy nhiên, khi Nghị định 116 ngày 21-12-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy (gọi tắt Nghị định 116) có hiệu lực thi hành thì Nghị định 94 cũng như các Nghị quyết của HĐND tỉnh Tiền Giang trước đó hết hiệu lực. Vì vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Còn theo Thượng tá Trần Văn Rô, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Tiền Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ cho người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nên không có sự hỗ trợ, thực hiện đúng các quy trình cai nghiện. Bên cạnh đó, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy hiện còn nhiều khó khăn, bởi chưa có hướng dẫn, tập huấn việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, do đó đến nay trên địa bàn cấp huyện chưa thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Bên cạnh đó, danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được công bố nhưng một số cơ sở y tế không thực hiện được việc xác định tình trạng nghiện do không có cán bộ y tế hoặc xác định tình trạng nghiện đối với một số chất ma túy nhất định.

Mặt khác, Cơ sở Cai nghiện ma túy từ chối tiếp nhận số đối tượng có quyết định đi cai nghiện bắt buộc khi họ chỉ bệnh đơn giản như huyết áp cao... nên phải thả đối tượng ra và việc truy bắt họ trở lại cai nghiện bắt buộc là rất khó khăn. Thêm vào đó, chưa có thông tư thay Thông tư 17 về hướng dẫn điều tra các tội danh về ma túy nên hiện còn nhiều tội danh về ma túy chưa xử lý được. Ngoài ra, kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy cấp xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ... Đó là những khó khăn khiến cho công tác quản lý người nghiện ma túy chưa đạt hiệu quả cao.

TỶ LỆ TÁI NGHIỆN CÒN CAO

Thiếu tá Phạm Ngọc Ngà, Trưởng Công an xã An Thái Trung, huyện Cái Bè cho biết, những năm qua, lực lượng Công an xã An Thái Trung đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý địa bàn, đặc biệt là thực hiện quản lý, phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy nhưng tỷ lệ tái nghiện ở xã vẫn còn ở mức đáng lo ngại. Xã hiện đang quản lý 46 hồ sơ đối tượng nghiện ma túy, trong đó có 12 trường hợp tái nghiện. Tình trạng này không chỉ là sự lo ngại tại xã An Thái Trung, mà là của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, bởi đối với người đã nghiện mà tái nghiện thì việc quản lý hay hỗ trợ, giúp đỡ họ càng khó khăn hơn.

Hoạt động tại Cơ sở  Cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang.
Hoạt động tại Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể tiếp cận, hỗ trợ, tư vấn giới thiệu học nghề, tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy về nơi cư trú trên địa bàn tái hòa nhập cộng đồng nhằm phòng, chống tái nghiện. Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận rằng, tỷ lệ tái nghiện ma túy vẫn ở mức cao.

Cụ thể, năm 2022, qua giám sát tại 11 đơn vị huyện, thành phố và thị xã với 77 đối tượng sau cai nghiện ma túy về nơi cư trú trên địa bàn tái hòa nhập cộng đồng thì 63 đối tượng có mặt tại địa phương, 14 đối tượng không có mặt tại địa phương. Trong đó, 24/63 đối tượng có việc làm ổn định (phụ giúp gia đình buôn bán, phụ hồ, sửa xe…), chiếm 38,1%; 39/63 đối tượng chưa có việc làm ổn định, chiếm 61,9%; 50/63 đối tượng chưa phát hiện có nguy cơ tái nghiện, chiếm 79,4%, còn lại 13 người là có nguy cơ tái nghiện, chiếm 20,6%.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ tái nghiện ma túy cao do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý cũng như hỗ trợ người sau cai nghiện. Trên thực tế, ở một vài địa phương, các ngành, đoàn thể được phân công giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú chưa nhận thức hết vai trò trách nhiệm của mình, cứ nghĩ đó là trách nhiệm của ngành Công an nên còn e ngại khi tiếp xúc các đối tượng. Vì vậy, hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện ma túy trở về tái hòa nhập cộng đồng chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác giúp đỡ, cảm hóa người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng luôn cần sự phối hợp tích cực, hợp tác của người thân, gia đình người sau cai nghiện, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng trên thực tế một số gia đình đã phó mặc cho xã hội hoặc còn tư tưởng bao che, ngăn cản sự tiếp cận của chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp cận với con em của họ, chính điều này làm cho công tác giúp đỡ, cảm hóa người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng càng trở nên khó khăn.

Mặt khác, một số người sau cai nghiện về địa phương vẫn tiếp tục lén lút sử dụng ma túy làm cho công tác tiếp cận, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số đối tượng sau cai nghiện trở về cộng đồng do nhu cầu cuộc sống và tìm việc làm nên phải đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa phương. Do đó, việc quản lý, giám sát đối tượng gặp nhiều khó khăn, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tái nghiện còn cao.

Phân tích nguyên nhân làm cho tỷ lệ tái nghiện còn ở mức cao, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân cho biết, phần lớn số người nghiện ma túy do sử dụng ma túy tổng hợp, nên sau khi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trở về cộng đồng có nguy cơ tái nghiện là rất cao. Bản thân người nghiện ma túy chưa tự giác, mạnh dạn tự nguyện khai báo tình trạng nghiện để được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ. Công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú tuy đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng chỉ mới tập trung vào công tác thăm hỏi, tư vấn, động viên. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề xã hội cho người sau cai nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn như công tác hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm còn hạn chế…

Mặt khác, nhiều gia đình chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, không thường xuyên quan tâm, giáo dục, kiểm soát về thời gian đi lại, sinh hoạt của con em mình nên dễ dẫn đến bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy. Công tác phòng ngừa xã hội về ma túy có thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu và thiết thực; đôi lúc chỉ thực hiện theo phong trào và mang tính hình thức. Cơ chế chính sách pháp luật chưa đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, nhất là những quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy… từ đó tỷ lệ tái nghiện, nguy cơ tái nghiện còn cao.

NHÓM PV

(còn tiếp)

 

.
.
.