.
Xây dựng "pháo đài" phòng, chống tội phạm ở cơ sở

BÀI 2: Những dấu ấn Công an xã chính quy

Cập nhật: 10:07, 23/04/2024 (GMT+7)

Bài 1: Ưu tiên nguồn lực đưa Công an chính quy về cơ sở

Thực hiện Nghị quyết 12 ngày 25-7-2022 của Đảng ủy Công an Trung ương (Nghị quyết 12) và Chỉ thị 11 ngày 28-10-2022 của Bộ Công an (Chỉ thị 11) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu đề ra, nhằm đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

VÌ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG

Cùng với cả nước, tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao và đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, Công an xã, thị trấn đã tham mưu cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành hơn 1.500 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhờ vậy, tình hình ANTT địa bàn các xã, thị trấn của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.

 Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chúc mừng xuân mới lực lượng Công an xã.
Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chúc mừng xuân mới lực lượng Công an xã.

Từ ngày 15-9-2022 đến ngày 14-9-2023, Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận trên 1.100 tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp nhận, xử lý trên 960 vụ việc về ANTT, xử lý gần 650 đối tượng; bắt và vận động đầu thú 23 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý hành chính hơn 2.400 vụ; đưa 424 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Công tác quản lý nhà nước về ANTT được thực hiện hiệu quả. Lực lượng Công an xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý cấp căn cước công dân. Khẩn trương, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong Công an tỉnh Tiền Giang.

Tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; thu thập gần 24 ngàn phiếu thu thập thông tin dân cư, cấp hơn 47 ngàn số định danh…

Hiện tại, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng 22 mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả tại địa bàn cơ sở; củng cố nâng chất 30 Ban Bảo vệ dân phố, 927 Đội Dân phòng, gần 12.500 Tổ nhân dân tự quản, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Công an tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp để tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã theo đúng tinh thần “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám sát cơ sở”. Trong đó, chú trọng công tác điều động, tăng cường quân số, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Đồng thời, bảo đảm công tác hậu cần, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trụ sở làm việc… nhất là ưu tiên cho địa bàn phức tạp về ANTT, trật tự, an toàn xã hội và xã vùng sâu, vùng xa.

LAN TỎA CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN

Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là chủ trương đúng đắn của Bộ Công an nhằm tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết các vấn đề ANTT ngay tại cơ sở; tăng cường cải cách hành chính, đưa các dịch vụ công về ANTT trực tiếp đến với người dân. Nhờ vậy, công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở tiếp tục được nâng lên, mối quan hệ giữa Công an và nhân dân ngày càng được củng cố và phát huy hơn nữa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Khi về xã, lực lượng Công an chính quy bám cơ sở, bám dân, chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, công tác quản lý các đối tượng tại cơ sở được đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn. Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT; tiến hành rà soát, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để tham mưu Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức hòa giải.

Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để nắm tâm tư, nguyện vọng, tham mưu thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, kịp thời xử lý các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, phối hợp tốt với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm; đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm được tiếp nhận, phân loại, giải quyết đúng quy định.

Năm 2023, Công an tỉnh Tiền Giang có 203 lượt tập thể, cá nhân Công an xã, thị trấn được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, lãnh đạo các cấp biểu dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc dũng cảm truy bắt tội phạm và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng.

Trong đó, có 6 tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 12 và Chỉ thị 11 của Bộ Công an, gồm: Công an xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông); Công an thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo); Công an xã Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy); Trung tá Nguyễn Hoài Phong, Trưởng Công an xã Long Thuận (TX. Gò Công); Thượng úy Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng Công an xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè) và đồng chí Phan Quốc Triệu, Công an xã bán chuyên trách xã Long Hưng (huyện Châu Thành).

ĐẶNG THANH

(Còn tiếp)

.
.
.