Thứ Sáu, 14/09/2012, 14:04 (GMT+7)
.

Một sản phụ chết oan uổng tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang

Nạn nhân là chị Trần Thanh Ng. (SN 1980), ngụ ấp Bình Cách (Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo). Chị Ng. được Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang chẩn đoán thai chết lưu, phải nhập viện chờ sinh nhưng trong khi chờ thì sản phụ đã tử vong mà không được giải thích nguyên nhân rõ ràng.

Theo người nhà bệnh nhân, chị Ng. đang mang thai chờ ngày sinh (dự sinh ngày 13-9) và hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng 15 giờ ngày 7-9, chị Ng. cho biết không thấy thai cử động nên được gia đình đưa đến một phòng mạch tư - nơi theo dõi sức khỏe chị Ng suốt từ đầu thai kỳ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán thai đã chết và đề nghị gia đình đưa sản phụ tới bệnh viện để có đủ điều kiện xử lý.

Khoảng 19 giờ cùng ngày, chị Ng. được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang khám. Tại đây, sau khi làm các chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ cho biết thai đã chết, phải nhập viện chờ sinh thường.

Đến khoảng 00 giờ 30 phút ngày 9-9, chị Ng. kêu mẹ, nói có nghe có tiếng nổ trong bụng, cảm thấy mệt và khó chịu. Bệnh nhân được đưa đến Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó vài giờ.

Mẹ và con gái chị Nguyệt kể lại. Ảnh PV
Mẹ và con gái chị Ng. phản ánh với PV về cái chết của sản phụ.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ - mẹ nạn nhân bức xúc: Trong thời gian con tôi nằm tại Bệnh viện Phụ sản không hề được bác sĩ theo dõi, cũng không hề cho uống thuốc hay chích thuốc.

Gia đình lo lắng, đã nhiều lần trực tiếp đến năn nỉ bác sĩ Phi Loan - là bác sĩ trực hôm đó và bác sĩ Nguyễn Thị Xuyến - Phó Giám đốc bệnh viện, xin cho con được phẫu thuật lấy thai ra, nhưng không được chấp thuận.

Các bác sĩ giải thích “thai chết lưu phải để sinh thường, để trong bụng 2 tuần cũng không sao, gia đình không cần lo lắng”.

Khi con tôi đột ngột trở nặng, mắt đứng tròng, gia đình đưa qua Phòng Cấp cứu thì nhân viên trực không nhận cấp cứu ngay do không có bệnh án tại đây, mà yêu cầu  quay lại Phòng Sản bệnh lấy bệnh án. Lúc đó chỉ có các điều dưỡng với nữ hộ sinh, chứ không hề có bác sĩ nào đến xử trí.

Khi con tôi mất, bác sĩ Xuyến nói: Con tôi chết do tai biến mạch máu não, nhưng theo thông tin của tôi biết thì con tôi không phải chết do tai biến mạch máu não mà bị rối loạn đông máu do thai chết lưu.

Điều đáng buồn nữa là, khi con tôi còn sống, gia đình đã hơn chục lần xin mổ lấy thai ra nhưng bác sĩ không cho, tới lúc con tôi chết rồi thì bác sĩ lại đòi mổ lấy thai.

Anh Nguyễn Bá Vui - chồng chị Ng. cho biết, 2 vợ chồng đã có 1 con gái 15 tuổi, vợ anh đang mang thai con trai và được chăm sóc, theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng suốt thai kỳ.

P.V

Về sự nguy hiểm và cách xử trí khi thai chết lưu

Một chuyên gia sản khoa cho biết: Thai lưu trước hết gây nên cảm giác sợ hãi cho người mẹ và mọi người trong gia đình vì bị ám ảnh bởi việc đang mang một xác chết trong bụng. Tuy nhiên, nếu thai chết lưu được phát hiện sớm để can thiệp thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng người mẹ.

Quá trình sảy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến như các ca sảy hoặc đẻ bình thường, nhưng thời gian dọa sảy và chuyển dạ đẻ thường dài hơn và ra máu nhiều hơn.

Điều nguy hiểm đối với người bị thai lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Vì qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ.

Hơn nữa, khi thai lưu quá lâu trong tử cung, bà mẹ có thể bị rối loạn đông máu, gây băng huyết nặng trong sảy hoặc đẻ. Vì vậy, nếu thấy bất thường trong khi có thai, bà mẹ cần đi khám ngay để được chẩn đoán và có hướng xử trí.

Về cách xử trí khi thai chết lưu, nguyên tắc là cho thai ra càng sớm càng tốt sau khi phát hiện không còn tim thai.

- Nếu tuổi thai nhỏ, thực hiện phá thai bằng phương pháp nội khoa (đặt thuốc âm đạo) gây sảy thai.

- Nếu thai trên 6 tháng gây chuyển dạ đẻ (đẻ chỉ huy) bằng cách: Cho oestrogen 2-3 ngày trước. Thụt tháo phân, sau đó truyền nhỏ giọt tĩnh mạch oxytoxin (5-10 đơn vị vào 500ml huyết thanh) để gây cơn co tử cung.

Sau khi thai và nhau đã xổ, phải kiểm soát tử cung để tránh sót nhau. Trường hợp xét nghiệm sinh sợi huyết giảm dưới 2g/lít phải truyền máu tươi. Mọi trường hợp đều phải cho kháng sinh từ 5-7 ngày để chống nhiễm khuẩn.

 

.
.
.