.
GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI):

Cần quy định cụ thể về giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai

Cập nhật: 10:10, 20/03/2023 (GMT+7)

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Nguyễn Văn Dương, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang đã có một số góp ý về các quy định hòa giải tranh chấp đất đai và thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo luật sư Nguyễn Văn Dương, ở Điều 274 về hòa giải tranh chấp đất đai, dự thảo Luật cần xác định cụ thể là tranh chấp “Quyền sử dụng đất” và là trách nhiệm của UBND cấp xã chứ không chuyển cho tổ hòa giải. Với quy định hiện hành, việc giải quyết tranh chấp có giấy tờ là trách nhiệm của tòa án, còn lại là trách nhiệm của UBND.

Luật sư Nguyễn Văn Dương.
Luật sư Nguyễn Văn Dương.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai như quy định tại Điều 225 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp và UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều vụ án tranh chấp đất đai kéo dài, tòa phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì UBND không cung cấp, chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc không có văn bản trả lời cho tòa án.

Vì thế, luật sư Nguyễn Văn Dương kiến nghị: “Trong trường hợp không cung cấp được tài liệu chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho tòa án biết, trong đó ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu chứng cứ. Nếu quá thời hạn mà không được cung cấp tài liệu, chứng từ hoặc văn bản trả lời thì tòa án đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của UBND được yêu cầu chỉ đạo UBND cấp dưới thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản của tòa án”.

Ở Điều 128 quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Cần ban hành quy định xác định rõ những vấn đề, lĩnh vực nào là lợi ích quốc gia, công cộng ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, ưu tiên những vấn đề, trường hợp đó.

Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế -xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì chủ đầu tư cần thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Ở Điều 85 quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì quốc gia công cộng, khoản 3 có điểm b quy định cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Điểm c của khoản này cũng quy định UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ở điểm a, khoản 4, Điều 85 cũng quy định UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của dự thảo Luật quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thực tế có trường hợp từ phê duyệt phương án đền bù đến khi ban hành quyết định thu hồi quyền sử dụng đất quá lâu, cần quy định thời hạn từ khi phê duyệt phương án bồi thường đến khi có quyết định thu hồi đất để tránh việc phê duyệt 2 nội dung này cách nhau quá xa, có thể dẫn tới trượt giá (như thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi phải giải quyết chi trả bồi thường).

Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đai là một lĩnh vực hết sức phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, an cư, lạc nghiệp của người dân bị thu hồi đất. Song, theo Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ... Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thưởng, hỗ trợ, tái định cư”.

Quy định như thế không có gì mới bảo đảm hơn, gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất là giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định. Từ trước đến nay, giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai là “cần phải quy định giá bồi thường do cấp có thẩm quyền quyết định nhất thiết phải gắn với giá thị trường” để người bị thu hồi đất ít bị thiệt thòi và sẽ giúp giảm các trường hợp khiếu kiện. Do đó, điều luật này cần bổ sung cụm từ “theo giá thị trường” vào sau đoạn “do UBND cấp có thẩm quyền quyết định”.

CAO THẮNG (lược ghi)

.
.
.