Thứ Sáu, 04/01/2013, 05:18 (GMT+7)
.

Viết trong chiến dịch

Một  buổi chiều của năm 1972 trên đất Mỹ Tho. Sau khi chúng tôi đi dự buổi họp sinh hoạt bàn chiến dịch tại Ban Chỉ huy sở, trở về căn cứ Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho tìm gặp anh Tám Thạnh, Trưởng ban. Vẫn tự nhiên như người nhà, anh nói với chúng tôi:

- A lê! Chào mấy bạn trẻ! Vào chiến dịch kỳ này, cánh báo Khu mấy thằng bây phải viết bài cho có lửa nhe. Mình phải ra cho bằng được Báo Ấp Bắc số đặc biệt phục vụ mở màn Chiến dịch Mùa khô năm 1972 này để vừa phát huy khí thế của cuộc tấn công nổi dậy, mà cũng đồng thời vừa gây thối động, hoang mang thêm trong hàng ngũ địch.

Đoàn chúng tôi lên đường ra mặt trận gồm những anh em làm báo, văn nghệ, nhiếp ảnh, quay phim của Khu 8, có nhiệm vụ lo cho Báo Giải phóng miền Trung Nam bộ, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng.

Điện ảnh và Văn nghệ Khu 8 cùng đóng góp với Báo Ấp Bắc cho ra được đều kỳ, coi báo là mũi tuyên truyền quan trọng ở chiến trường trọng điểm Mỹ Tho và cũng là trung tâm chiến dịch của chiến trường Khu Trung Nam bộ.

Nhà báo Tiền Phong (phải) và Nhà báo Đức Lập nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Tiền Phong (phải) và Nhà báo Đức Lập nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Đồng bào ta ở trong vùng giặc tạm chiếm đêm đêm mở máy thu thanh nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng và chuyền tay nhau xem tờ Báo Ấp Bắc để biết tin chiến sự, biết tình hình khắp nơi và hỗ trợ với ta từng trận đánh.

Nhà in Huỳnh Văn Sâm in Báo Ấp Bắc trong điều kiện đặc biệt và linh hoạt, nếu thuận lợi thì lăn ru lô in chữ chì thủ công, in được vài ba năm, có tranh hoặc chữ khắc gỗ để minh họa, hay in cả ảnh cờ-lít-xê (bảng kẽm). Nếu gặp khó khăn thì “cao quay guốc” in giấy sáp, miễn sao Báo Ấp Bắc phát hành được kịp thời là coi như đạt yêu cầu số một.

Cũng như các tờ báo khác của các tỉnh thuộc Khu 8, Khu 9 lúc đó, Báo Ấp Bắc là cơ quan tranh đấu của quân và dân Mỹ Tho, mang tính chất dùng để học tập, hiệu triệu, tuyên truyền vận động quần chúng tấn công Mỹ ngụy. Các trạm giao liên coi Báo Ấp Bắc ngang hàng với thư “thượng khẩn”, dẫu khó khăn nào cũng không để ứ đọng. Phối hợp nhịp nhàng giữa báo chí với vũ trang trong mỗi trận tiến công.

Về phía giặc, chúng cũng rất sợ ta mũi hợp đồng này. Đêm đêm chúng ra lệnh cho bọn bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, do thám và chiêu hồi rình mò theo dõi để khủng bố những ai lén nghe đài hay xem báo của Việt cộng.

Cùng với mũi xung kích của quân giải phóng, chúng tôi yên lặng vượt qua bao chướng ngại, kinh rạch, đồng ruộng sình lầy cũng như các bót dân vệ lẻ tẻ quanh căn cứ đầu não của giặc để tiếp cận trận địa trước giờ nổ súng.

Đó là thị trấn Vĩnh Kim (Chợ Giữa), một thị tứ đẹp và trù phú của Mỹ Tho, nơi ngụy quyền Sài Gòn lấy tên là Quận lỵ Sầm Giang, một trong những căn cứ được chúng bố trí một mạng nhện binh lính ác ôn, súng đạn và bãi mìn để bảo vệ các căn cứ, sào huyệt của chúng ở TP. Mỹ Tho.

Vì vậy, quân và dân Mỹ Tho tấn công vào sào huyệt giặc ở Vĩnh Kim cũng là để mở màn cho Chiến dịch Mùa khô năm 1972, gây thối động trong vùng, đồng loạt với tiếng súng tiến công của quân và dân ta trên toàn miền Nam.

Trong chiến tranh, người làm báo vùng đồng bằng chỉ có cái ba lô, khẩu súng, cây viết và trái lựu đạn gài. Phải có tinh thần sẵn sàng “tìm việc mà viết, tìm giặc mà đánh”. Nhà báo không thể nằm chờ bộ đội ta thắng trận trở về mới lò dò tới hỏi han, ghi chép, Mà tất cả phải vào trận như một người chiến sĩ. Một bài báo viết trên chiến trường coi như có cả chiến công và máu của mình trong đó.

Chúng tôi, mọi người đều lo lắng về công việc của mình là làm sao khi kết thúc trận tấn công phải chuyển cho được những tin, những ảnh, những bài và những thước phim nóng hổi về đơn vị mình. Ngồi bên vách công sự, trên bến sông Rạch Gầm, tôi cứ nôn nóng, bâng khuâng ví như trận địa đang nổ súng và kết thúc thắng lợi đúng với sa bàn chiến dịch và cũng hình dung, bố cục sẵn trong đầu óc một bài báo hẳn hoi.

Chỉ cần chứng kiến những cái thật diễn ra khi trận địa nổ súng là đẹp lắm, để rồi sau đó lần chép ra mang về căn cứ Báo Ấp Bắc để các anh duyệt in. Không hẹn nhau, nhưng chúng tôi ai cũng đoán hiện giờ các anh trong Ban Biên tập Báo Ấp Bắc đang trông đứng trông ngồi cái giờ nổ súng, để có tin, bài mới của cánh chúng tôi từ chiến trường nóng bỏng gởi về để lên khuôn in ngay theo yêu cầu.

Tôi đang miên man giữa bóng đêm, bỗng một cô gái cất giọng thì thầm mấy dòng thơ mà tôi đã có lần nghe đâu đó:

Em biết đêm nay quân mình vào chiến dịch
Các anh đi tay súng, vai đàn
Mưa chiến trường thấm vào bụng đói
Không ước bài ca che lá ngụy trang…

Rồi giọng một cô gái khác:

- Rồi à. Tao coi bộ mày có mòi gì rồi hả Âu? Vĩnh Kim mà giải phóng rồi mày quải bồng theo mấy ảnh luôn đi, bỏ tụi này ở lại cũng được nữa.
Sau đó là tiếng đấm lưng nhẹ vào nhau chen với tiếng cười lí nhí của ba cô gái trên bến.
- Mấy anh nhà báo ơi, xuống xuồng tụi em đưa…

- Tiếng gọi trong trẻo của cô gái vừa dứt thì ba chiếc xuồng cũng vừa cặp bến, để đưa chúng tôi sang bên kia sông Rạch Gầm, đến nơi tập kết bên cầu Ô Thước. Từ đây chỉ cách một cây cầu vồng trong tích tắc nữa thôi là hang ổ của giặc, nơi sắp đến những giây phút hứng tầm đạn cối tấn công của quân ta. Trong những vầng sáng đỏ lập lòe pháo điểm của giặc bay lơ lửng đây đó, chúng tôi chỉ nhìn thoáng qua dáng hình ba cô gái với áo bà ba đen đung đưa nhẹ mái dầm.

- Mấy anh hành quân suốt đêm chắc lạnh lắm hả mấy anh?
Tôi khẽ đáp:
- Mấy anh đi quen rồi. Chỉ sợ mấy em đưa bộ đội suốt đêm mới lạnh đó.
- Tụi em sống ở đây quen rồi, chỉ thương mấy anh vất vả hà.
- Mấy anh chắc đói bụng lắm phải hôn?
Một anh cùng đi khẽ đáp lại:
- Không. Mấy anh chưa đói. Chỉ sợ mấy em…
- Mấy em con gái mờ… Mấy anh hơi sức đâu mà lo.

Những lời qua lại làm quen mới mẻ, thì chúng tôi đã đến điểm dừng chân bên này cầu Ô Thước. Đó là nhà của dì Năm, người chuyên nghề bán bánh ướt ở đây.

Dì Năm dọn ra bộ ván từng sàng bánh ướt mới tráng còn nóng hổi thơm phứt mùi nhưn đậu xanh trộn mỡ, hành. Dì vỗ tay từng đứa chúng tôi:

- Sáng mai dì không ra chợ bán đâu. Mấy cháu ăn cho hết, cho no dì mừng. Đừng để nổ súng rồi mấy cháu ráp vô chợ hết, ăn không kịp cái nào, dì buồn lắm nghe hôn.

Tôi bốc vội mấy cái bánh đi nhanh ra bến sông định đưa cho ba cô gái, thì ba cô cũng vừa tách xuồng khỏi bến. Dưới ánh sáng pháo màu của bót giặc tôi chỉ còn nhìn thấy những làn nước lao xao. Không ngờ ba cô gái trên sông Rạch Gầm mà chúng tôi không được nhìn rõ mặt để làm quen ấy đã ra đi vĩnh viễn.

Bom đạn kẻ thù đã giết các em cùng một số đồng chí, đồng bào trên quê hương Vĩnh Kim ngọt ngào vú sữa này, trong đó có người con gái tên Âu với những dòng thơ thanh thản, nhẹ nhàng, đầy gợi cảm của chúng tôi.

Đó là những kỷ niệm, những tư liệu sống trên chiến trường trước giờ nổ súng mà người làm báo chúng tôi lúc bấy giờ không thể bỏ qua. Nhắc lại những kỷ niệm yêu thương trong lửa đỏ ấy ở đây có phần đi quá phạm vi của bài báo, song vì nó là hình ảnh sống động mang tính thuyết phục, cổ vũ trên Báo Ấp Bắc lúc bấy giờ.

Tiếng súng chiến thắng Vĩnh Kim, mở màn chiến dịch vừa dứt, chúng tôi trở về căn cứ Báo Ấp Bắc giữa lúc khắp nơi trên đất Mỹ Tho dồn dập tiếng súng công đồn, đả viện của quân và dân ta. Bài ký “Từ mặt trận Vĩnh Kim” của tôi được duyệt và lên khuôn in cùng với một loạt tin chiến thắng của anh chị em phóng viên Báo Ấp Bắc từ chiến trường gởi về.

Chiều hôm đó, anh Tám Thạnh ngồi xuồng xuôi kinh Ông Mười về Long Tiên đón gặp chúng tôi. Anh vỗ vai tôi thiệt mạnh và cười giòn:

- Bài của chú mày viết được lắm. Tám cho anh em Báo Ấp Bắc lên khuôn, ráng thức in sáng đêm nay cho kịp phát hành ra trạm giao liên. Thôi, gom hết cánh mấy anh em bây về đồng Ô Môi, Tám thưởng một chầu, rồi đi mần ăn tiếp nữa nghe.

Cũng như những bài báo khác của các anh, chị hồi ấy, bài báo của tôi bị hạn chế bởi tay nghề và ảnh hưởng với những giờ phút khẩn trương, nóng bỏng và ác liệt nên không được trau chuốt, mà chỉ ghi chép lại về những con người, nhưng việc làm có thật trên chiến trường. Đó là những chiến sĩ gang thép của ta tung hoành trong lửa đạn tìm diệt quân thù. Là hàng trăm tên giặc lớp chết, lớp bị thương, lớp đầu hàng trên chiến trận Vĩnh Kim.

Là những cô gái học sinh Mỹ Tho, Nhị Quí, Nhị Bình và khắp nơi trên đường lén thầy cô, qua mắt giặc về theo bà con cô bác đi dân công, tiếp lương, tải đạn, tải thương. Có cô thấy chiến sĩ chết trên võng mình đang khiêng, bật khóc vì sợ ma, khóc vì nặng, đau vai và khóc vì thương không dám buông xuống sợ anh đau! Đó là những dì Năm và các mẹ, các chị ngày đêm cơm cơm nước nước cho bộ đội ta ăn no đánh thắng. Và đó là những cô gái trên sông Rạch Gầm dịu dàng mà gan góc…

Những khối óc, những trái tim và những đôi tay tuyệt vời ấy người cầm bút không thể nào sáng tạo ra được, chỉ cần ghi chép lại để đưa vào báo cho mọi người cùng xem là đã góp phần cổ vũ thêm sức mạnh cho chiến trường.

TIỀN PHONG

.
.
.