Thứ Tư, 18/01/2017, 20:36 (GMT+7)
.
Sắc xuân trên các nhà giàn DK1:

Bài 1: Hiên ngang trụ vững giữa trùng khơi

27 năm qua, các nhà giàn DK1 luôn sừng sững, hiên ngang giữa trùng khơi sóng gió. Nhà giàn là mái ấm thứ hai của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ thềm lục địa phía Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi độ tết đến xuân về, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đều tổ chức các đoàn đến chúc tết và tặng quà để các cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 đón xuân đầm ầm, vui vẻ.

27 năm trôi qua, các nhà giàn DK1 vẫn sừng sững, hiên ngang, khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Nhà giàn DK1/10.
27 năm trôi qua, các nhà giàn DK1 vẫn sừng sững, hiên ngang, khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Nhà giàn DK1/10.

Đứng trước yêu cầu cấp bách bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích lâu dài của đất nước, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 180/CT về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1) thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

CỘT MỐC CHỦ QUYỀN VỮNG CHẮC

Thực hiện kế hoạch xây dựng Cụm DK1, từ ngày 10 đến 15-6-1989, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Phúc Tần (DK1/3). Và ngày 16-9-1989 hoàn thành việc xây lắp Nhà giàn Ba Kè A (DK1/4). Từ ngày 22 đến 27-6-1989, Tổng cục Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh hoàn thành Nhà giàn Tư Chính A (DK1/1). Vì đây là lần đầu tiên ta xây dựng nhà nổi ở khu vực có điều kiện tự nhiên phức tạp, nên sau khi xây dựng xong, Nhà giàn Phúc Tần đã bị nghiêng 40 - 50, rung lắc mạnh khi gặp sóng lớn.

Để từng bước tạo thế vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền ở Cụm DK1, tháng 11-1990, Nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng Nhà giàn Tư Chính B (DK1/5) và Nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/6). Tháng
11-1991, Nhà giàn Huyền Trân (DK1/7) và Nhà giàn Quế Đường (DK1/8) lần lượt được hoàn thành. Rút kinh nghiệm từ Nhà giàn Phúc Tần, 2 nhà giàn mới đã có nhiều cải tiến trong kỹ thuật, thiết kế, đảm bảo tính ổn định, độ bền cao, chịu đựng được sóng gió trên cấp 12. Nội thất nhà giàn được bố trí hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu ăn ở, công tác của cán bộ, chiến sĩ công tác ở nhà giàn. Như vậy, sau 3 năm (từ năm 1989 đến năm 1991), đã có 7 nhà giàn được xây dựng trên vùng biển DK1, tạo được thế đứng chân của Hải quân - lực lượng nòng cốt bảo vệ vùng thềm lục địa và bắt đầu hình thành các hoạt động dịch vụ, kinh tế, khoa học của các cơ quan Nhà nước ở khu vực này.

Những năm 1993 - 1998, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà giàn trên các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường, Ba Kè, cụ thể: Từ tháng 8-1993 đến tháng 8-1994 hoàn thành xây dựng các nhà giàn: Phúc Tần A (DK1/2), DK1/10, Tư Chính C (DK1/11), Tư Chính D (DK1/12). Các nhà giàn Tư Chính Đ (DK1/14), Phúc Nguyên B (DK1/15), Phúc Tần B (DK1/16), Phúc Tần C (DK1/17), Phúc Tần D (DK1/18), Quế Đường B (DK1/19), Ba Kè C (DK1/20), Ba Kè D (DK1/21) lần lượt được hoàn thành từ tháng 4-1995 đến tháng 8-1998. Tính đến thời điểm này đã có 20 nhà giàn được xây dựng, Nhà giàn DK1/3 bị sập, còn lại 19 nhà giàn.

Thắp hương tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh tại vùng biển DK1.
Thắp hương tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh tại vùng biển DK1.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, các nhà giàn được xây dựng giai đoạn này được tính toán kỹ lưỡng về kỹ thuật, kết cấu, bảo đảm bền vững lâu dài, chịu được sóng gió trên cấp 12, máy bay lên thẳng có thể lên xuống tầng thượng của nhà giàn, nội thất đảm bảo tốt các nhu cầu công tác của cán bộ, chiến sĩ. Những nhà giàn DK1 là những cột mốc sừng sững, hiên ngang, trụ vững giữa biển trời, khẳng định chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

NHỮNG ĐÓA HOA BẤT TỬ

Với quyết tâm “còn người, còn nhà giàn, còn chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”, dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 vẫn quyết tâm vượt lên đầu sóng, ngọn gió, vững tay súng, giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương. Qua 27 năm thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền thềm lục địa, đã có 7 cán bộ, chiến sĩ DK1 mãi mãi nằm lại với biển trời Tổ quốc. Đó là những tấm gương về lòng dũng cảm, tình yêu thương đồng đội trong sáng, thủy chung, làm sáng đẹp thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.

Khi Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị sóng lớn đánh đổ, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy về chính trị đã cùng đồng đội của mình bơi nhiều ngày trên biển trong sóng to gió lớn, trong cái đói cồn cào và cái lạnh buốt đến thịt xương. Đồng đội của anh có người đã kiệt sức. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và sự hy sinh, Thượng úy Quảng đã thực hiện một hành động cao đẹp: Nhường lại chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô của mình cho đồng đội, anh buông tay thả mình vào biển dữ, mãi mãi nằm lại giữa lòng biển sâu, nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hôm ấy là ngày 5-12-1990.

Hay hành động cao đẹp của Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên 2A. Trong cơn bão số 8 hung tợn năm 1998, những cơn sóng dữ liên tục đánh trùm lên Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên 2A. Giữa lúc hiểm nguy ấy, Đại úy Chương vẫn bình tĩnh bám trụ đến phút cuối cùng, chỉ huy các chiến sĩ rời nhà giàn sơ tán xuống tàu an toàn, rồi mới cùng đồng chí Nguyễn Văn An thu dọn tài liệu, rời nhà giàn mà vẫn không quên ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng.

Và thật xót xa khi cơn bão dữ năm đó đã cướp mất 2 người con ưu tú của Quân chủng Hải quân. Đồng chí Nguyễn Văn An trước lúc hy sinh đã hét to giữa giông bão, căn dặn đồng đội phát huy truyền thống của đơn vị. Anh ra đi để lại người vợ hiền và đứa con thơ chưa kịp nhìn mặt cha. Còn Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh khi trên tay vẫn còn ôm chặt lá cờ Tổ quốc. Với hành động cao đẹp thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc đến phút cuối cùng ấy, Liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hay như tấm gương của đồng chí Lê Đức Hồng vẫn bám trụ đến cùng để giữ vững liên lạc, báo cáo tình hình của nhà giàn. Đến khi nhà giàn đổ sập, anh đã gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi không một chút ưu tư.

Đại tá Ngô Trí Hà, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân xúc động: “Các anh đã ra đi thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song, sự hy sinh của các anh đã để lại cho gia đình, đồng đội, đồng bào niềm thương tiếc tột cùng; để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong những người mẹ, người cha, người vợ, người con vẫn hằng ngày mong ngóng anh trở về. Sự hy sinh của các anh trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân; trở thành giá trị tinh thần vô giá, động viên thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống, phát huy tinh thần hy sinh quên mình cho Tổ quốc trong thời đại mới”.

Trong bài viết này, chúng tôi không thể kể hết được những tấm gương đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi sóng vỗ. Các anh nằm lại giữa lòng đại dương bao la, ý chí của các anh hòa vào sóng biển đang ngày ngày ôm ấp thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tinh thần của các anh hòa vào gió, thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam.

PHAN THẮNG

(Kỳ sau: Viết tiếp trang sử vẻ vang của Tiểu đoàn DK1)

.
.
.