Thứ Hai, 20/11/2017, 15:38 (GMT+7)
.

Chuyện "gieo chữ " ở Trường Sa

Không có được điều kiện như đất liền, nhưng bằng lòng yêu nghề, quyết tâm cống hiến, những người thầy ở Trường Sa nhiều năm qua vẫn cần mẫn bám đảo, “gieo chữ” nơi đảo xa.

Thầy và trò trường Tiểu học Song Tử Tây trong giờ lên lớp.
Thầy và trò trường Tiểu học Song Tử Tây trong giờ lên lớp.

Có thể nói, ở Trường Sa, những đứa trẻ được phát triển một cách tự nhiên nhất, bằng lời ru của biển, bằng cái nắng, cái gió… và cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các em lớn lên bằng tình thương của cha mẹ, của anh lính đảo và cả sự dạy dỗ của người thầy. Những năm qua, việc học ở Trường Sa luôn được quan tâm, trường học vì thế cũng được xây dựng phục vụ cho việc học tập của các em. Nói đến việc học, không thể không nhắc đến dấu ấn của những người thầy chẳng ngại gian khó, vượt hàng ngàn hải lý để mang con chữ đến với các em nhỏ nơi đây.

Thầy Lê Xuân Quyết đang hát cùng các em học sinh trường Tiểu học Song Tử Tây.
Thầy Lê Xuân Quyết đang hát cùng các em học sinh trường Tiểu học Song Tử Tây.

Ở đảo Song Tử Tây, hình ảnh người thầy Lê Xuân Quyết (quê gốc Thanh Hóa) đứng trên bục giảng đã trở nên thân thuộc với những người sinh sống nơi đây. Ngày ngày, thầy Quyết đều đặn lên lớp để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thấu hiểu điều này nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ lớn nhất của thầy Quyết là trở thành giáo viên để dạy học các em có hoàn cảnh như mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), thầy Quyết về công tác tại một trường tiểu học thuộc huyện Vạn Ninh. Đến năm 2013, hay tin ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa có tuyển giáo viên để dạy học ở Trường Sa nên thầy hăng hái đăng ký tham gia. Khi cầm tấm giấy trúng tuyển trên tay, thầy Quyết vui mừng khôn xiết khi sắp được dạy học ở một nơi rất thiêng liêng, khát khao cống hiến sức trẻ cho quê hương bùng cháy trong thầy.

Đối với những người “gieo chữ” ở Trường Sa, tình thầy trò, quân dân là nguồn động lực cho họ tiếp tục cống hiến.
Đối với những người “gieo chữ” ở Trường Sa, tình thầy trò, quân dân là nguồn động lực cho họ tiếp tục cống hiến.

“Có thể nói, những ngày đầu công tác ở Trường Sa không phải là chuyện dễ dàng. Ban đầu, do đảo Song Tử Tây chưa có trường riêng nên lớp học chỉ là nhà tạm mượn của bộ đội. Nhiều đêm không có điện, tôi phải thắp nến để soạn giáo án và chấm bài cho học sinh. Đến cuối năm 2015, đảo Song Tử Tây được tài trợ xây dựng một ngôi trường mới khang trang với nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Từ đó, việc dạy và học của thầy trò mới bớt khó khăn” - thầy Quyết tâm tình.

Chắc có lẽ, trong hơn 4 năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, điều mà thầy Quyết trăn trở nhất chính là điều kiện và môi trường học tập của các em. Học sinh ở nơi đây không có điều kiện va chạm với cuộc sống năng động như ở đất liền, nên kỹ năng sống, hiểu biết của các em còn hạn chế. Từ những trăn trở đó, thầy Quyết luôn cố gắng tạo nên những giờ học sinh động qua nhiều tranh ảnh, trò chơi mô phỏng. Với cách dạy như thế, các em sẽ hào hứng hơn trong việc học cũng như mở mang hiểu biết.

Việc học ở Trường Sa luôn được quan tâm.
Việc học ở Trường Sa luôn được quan tâm.

Ở trường Tiểu học Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) có 7 học sinh được chia làm hai lớp với hai giáo viên. Do lớp học ghép nên cả thầy và trò luôn phải cố gắng khắc phục khó khăn. Thầy Lê Anh Đức (quê tỉnh Khánh Hòa) đã có nhiều năm gắn bó với trường Tiểu học Sinh Tồn. Hơn 3 năm chưa về đất liền, niềm an ủi để thầy Đức vơi đi nỗi nhớ nhà là sự quan tâm, chia sẻ của học sinh, người dân và các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Mỗi chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo là nguồn động viên, khích lệ cho những “người gieo chữ” nơi đảo xa. Thầy Đức tâm sự: Tốt nghiệp chuyên ngành tiểu học nhưng ra đảo Sinh Tồn lại dạy mầm non. Lo lắng là cảm giác đầu tiên khi tôi đảm nhận công việc. Lúc ra đảo, tôi có mang theo sách chuyên ngành mầm non để học, dạy lâu ngày riết cũng quen”.

Có thể nói, đối với các giáo viên ở Trường Sa, do nằm cách biệt với đất liền nên việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cũng là một trở ngại. Thầy Đức cho biết thêm, giáo viên công tác ở đảo ít được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên, do đó mỗi lần tàu ra phải nhờ bạn bè mua sách để tự nghiên cứu nâng cao kiến thức. Qua những bài học, chúng tôi mong muốn các em luôn hiểu bài, nâng cao kiến thức cho bản thân.
Đối với những ai đã từng đến Trường Sa chắc hẳn sẽ có những cảm xúc tự hào.khó tả về tình yêu đất nước.Bởi Trường Sa nơi có những người lính đang ngày đêm nắm chắc tay súng, có những “mầm non” ngày ngày vươn mình trong nắng gió và có cả những người thầy ngày đêm âm thầm “gieo chữ” nơi đảo xa.

M. THÀNH

.
.
.