Thứ Bảy, 03/11/2012, 12:20 (GMT+7)
.
Ông Nguyễn Hồng Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:

Thực trạng & giải pháp thực hiện văn hóa giao thông học đường

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh chạy xe gắn máy đến trường những năm gần đây có gia tăng khi điều kiện kinh tế các gia đình nâng lên. Cùng với sự thay đổi nhận thức của nhiều gia đình, các em được đến trường với những loại xe phù hợp với điều kiện pháp luật cho phép. Bên cạnh đó vẫn còn một ít trường hợp các em đi học bằng xe phân khối lớn, không phù hợp với quy định pháp luật. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT (ảnh) cho biết:

Với lứa tuổi của các em thì kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông chưa cao, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ cũng chưa nhiều, nên khi có tình huống nếu các em xử lý không tốt thì sẽ dễ gây tai nạn.

Chính vì vậy, thời gian qua, các trường học trong tỉnh đã có nhiều biện pháp để hạn chế các vi phạm của học sinh. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa và chính khóa.

Tuy nhiên, vấn đề là không chỉ nhà trường và các ngành chức năng triển khai, mà chính các gia đình có con em đi học bằng xe gắn máy phân khối lớn phải thực hiện. Còn thực sự các biện pháp của nhà trường và ngành chức năng chỉ là phần ngọn với việc xử phạt, không thể giải quyết hết vấn nạn này.

Bởi khi cấm ở trường, một số học sinh vẫn đi xe và tìm nơi gởi xe ở các điểm gần trường. Vì vậy, việc cho các em đi xe gắn máy đúng quy định phải bắt đầu từ chính các gia đình.

PV:  Để xử lý những học sinh vi phạm cũng như hạn chế hiện tượng này, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ có biện pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Oanh: Nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm ATGT, ngành Giáo dục & Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức của học sinh về ATGT bằng nhiều biện pháp và hình thức.

Đầu năm học 2012-2013, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện ATGT, văn hóa giao thông và ATGT học đường.

Học sinh chưa có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe phân khối lớn. Ảnh: N.T
Học sinh chưa có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe phân khối lớn. Ảnh: N.T

Các trường cũng đã đồng loạt triển khai họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền và cam kết không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội nón bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Giấy cam kết được làm thành hai bản, một bản nhà trường giữ, một bản giao cho các em học sinh giữ và giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, kiểm tra giấy cam kết của học sinh hàng tuần vào giờ sinh hoạt lớp.

Các trường tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn trật tự ATGT ở khu vực cổng trường vào đầu giờ học và giờ tan học, với việc xây dựng mô hình cổng trường an toàn, thân thiện.

Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp danh sách học sinh vi phạm ngoài nhà trường, tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ gia đình gần trường không được giữ xe máy phân khối lớn của học sinh gửi…

Để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm về trật tự ATGT, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng yêu cầu các trường biểu dương, khen thưởng kịp những cá nhân thực hiện tốt ATGT vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học. Đối với học sinh vi phạm ATGT thì ngoài việc phê bình trước toàn trường, báo về gia đình, giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi nhận để làm căn cứ phân loại xếp hạnh kiểm vào cuối năm học.

PV: Giáo dục ATGT cho học sinh là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ chỉ đạo, Sở Giáo dục & Đào tạo đã triển khai thực hiện quy định này như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Oanh: Song song với việc triển khai các nhiệm vụ năm học mới, đảm bảo ATGT là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà ngành Giáo dục đang chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai một cách nghiêm túc, thiết thực. Giáo dục ATGT trong nhà trường là không chỉ góp phần làm giảm thiểu TNGT, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Sở Giáo dục & Đào tạo đã có các văn bản chỉ đạo các trường tổ chức quán triệt Luật Giao thông đường bộ cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh; tổ chức đăng ký và cam kết không vi phạm ATGT trong cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường; thành lập đội ATGT tại trường; tổ chức lồng ghép giáo dục ATGT vào các bài học về pháp luật, chương trình hoạt động ngoại khóa của nhà trường với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; lấy thái độ, hành vi về thực hiện ATGT của các em là một trong những tiêu chí đánh giá hạnh kiểm cuối năm học.

Đường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) như một bãi đỗ xe, trong giờ tan trường. Ảnh: Q.V
Đường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) như một bãi đỗ xe, trong giờ tan trường. Ảnh: Q.V

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường tuyên truyền đến cha mẹ học sinh việc đội nón bảo hiểm cho trẻ em ở các cấp học như: Mầm non, Tiểu học, THCS khi tham gia giao thông.

Nhắc nhở phụ huynh lưu ý mức độ an toàn cho trẻ khi chở con em đến trường. Các trường đưa nội dung nhắc nhở, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ là điều kiện bắt buộc trong các buổi chào cờ và tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu tuần.

Trong thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu các trường đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa giao thông học đường. Sở Giáo dục & Đào tạo cũng sẽ phối hợp Tỉnh đoàn đưa tiêu chí này vào trường học thân thiện học sinh tích cực, phối hợp với ngành Công an thường xuyên tuyên truyền về ATGT trong trường học; cung cấp và xử lý cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành nếu có vi phạm về ATGT.

Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục chỉ đạo và triển khai rộng rãi các hoạt động hưởng ứng năm ATGT như: tổ chức “Ngày hội văn hóa giao thông dành cho học sinh THPT”, phát động cuộc thi “Giao thông thông minh”, “Cổng trường an toàn giao thông”, phối hợp với Ban ATGT trang bị một số tài liệu giáo dục về kỹ năng ATGT, đồ dùng dạy học cho tất cả các trường từ Mầm non đến THPT...

Qua các hoạt động này, Sở Giáo dục & Đào tạo hy vọng tình trạng vi phạm về ATGT của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh sẽ được kéo giảm, góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động Năm ATGT - 2012 với chủ đề “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước...”.

PV: Được biết, nội dung giáo dục ATGT đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều cấp học, ông có đánh giá gì về công tác giảng dạy nội dung này?

Ông Nguyễn Hồng Oanh: Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc giảng dạy ATGT trong nhà trường, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa chương trình giảng dạy pháp luật trật tự ATGT vào trường học và xác định giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ATGT là một trong những nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Các trường đã lồng ghép giáo dục về ATGT vào một số bài của một số môn học của nhiều cấp học; học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 được học 1 tiết chính khóa, 2 tiết ngoại khóa về nội dung ATGT.

Trong những năm gần đây, ngành cũng tranh thủ sự  hỗ trợ của Ban ATGT tỉnh, các dự án tài trợ để trang bị tài liệu, thiết bị hỗ trợ giảng dạy ATGT nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy ATGT trong nhà trường.

Công tác giáo dục ATGT trong nhà trường đã dần đi vào nền nếp, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình giáo dục để đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh, hình thành nếp sống văn hóa trong thế hệ trẻ, đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy ATGT cho học sinh, Sở Giáo dục & Đào tạo sẽ kiến nghị Bộ nghiên cứu lại chương trình, nội dung, tài liệu và phương pháp giáo dục ATGT cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu tăng thời lượng giảng dạy ATGT cho sinh viên các trường sư phạm chuyên ngành Giáo dục công dân để hình thành một đội ngũ giáo viên có khả năng và kiến thức về lĩnh vực này.

PV: Xin cảm ơn ông!

PHÙNG LONG (thực hiện)

.
.
.