Thứ Hai, 01/07/2013, 19:35 (GMT+7)
.
ÔNG PHÙNG VĂN MINH, CỤC PHÓ CỤC THUẾ TIỀN GIANG:

Thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành thu ngân sách năm 2013

Tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2013 có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2013, việc thu ngân sách trên địa bàn Tiền Giang vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Phùng Văn Minh, Cục phó Cục thuế Tiền Giang cho biết:

Kết quả thu ngân sách nhà nước ước 6 tháng đầu năm 2013 được 1.271,904 tỷ đồng, đạt 40,52% dự toán năm và bằng 119,63% so cùng kỳ năm 2012. Cụ thể một số khoản thu như sau: 

Một số sắc thuế có mức độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là: Thu từ doanh nghiệp nhà nước bằng 210,40% (DNNN Trung ương: 148,30%; DNNN  địa phương 292,11%); hóa giá nhà, thuê nhà bằng 200,29%; thuế CTN-NQD  bằng 137,14%; thu cấp quyền sử dụng đất bằng 133,89%; lệ phí trước bạ bằng 114,11%; tiền thuê đất bằng 109,61%; phí- lệ phí bằng 107,87%; thu tại xã bằng 104,60%.

Còn lại các nguồn thu khác thấp hơn so cùng kỳ năm trước là: DN có vốn đầu tư nước ngoài bằng 95,79%; thuế thu nhập cá nhân bằng 94,89%; thuế bảo vệ môi trường bằng 87,03%; thu khác ngân sách bằng 63,53%.

Phóng viên (PV): Theo ông, đâu là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thu ngân sách năm nay?

Ông Phùng Văn Minh: Trong 6 tháng đầu năm ngoài những thuận lợi cơ bản, công tác quản lý thu của ngành Thuế có một số khó khăn nhất định: Tình hình sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bản tỉnh đã có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc nhưng mức độ chưa đồng đều và mạnh mẽ, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ việc suy giảm kinh tế nói chung và tình trạng nợ thuế có chiều hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp có số thuế phát sinh thấp so cùng kỳ năm trước, nhất là ở các doanh nghiệp lớn và các nguồn thu có tỷ trọng lớn như kinh doanh lương thực, bất động sản, xây dựng, chế biến thủy sản; một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.

Qua số liệu cụ thể cho chúng ta thấy được tình hình như: Tổng số thuế phát sinh phải nộp thuộc diện kê khai định kỳ và khoán phát sinh trong 5 tháng đầu năm 2013 là 751,495 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012 là 739,398 tỷ đồng (tăng 12,097 tỷ đồng), tỷ lệ tăng là 1,64%; trong đó thuế GTGT 360,199 tỷ đồng /326,196 tỷ đồng (tăng 10,42%); thuế TTĐB 206,323 tỷ đồng/201,097 tỷ đồng (tăng 2,60%); thuế TNCN của hộ kinh doanh 7,151 tỷ đồng/6,380 tỷ đồng (tăng 12,08%); thuế TNDN 60,784 tỷ đồng/ 77,612 tỷ đồng (giảm 21,68%); thuế bảo vệ môi trường 73,230 tỷ đồng/84,603 tỷ đồng (giảm 13,44%).

Trong 5 tháng đầu năm 2013 có 261 doanh nghiệp thường xuyên kê khai có số phát sinh âm nên không nộp khoản thuế nào (trừ thuế môn bài). Số dự toán của Trung ương giao năm 2013 là 3.079 tỷ đồng so với số thực hiện năm 2012 là 2.513 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 22,52% ( chưa tính chuyển nguồn 60 tỷ đồng của địa phương giao).

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 27-6-2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc thu ngân sách năm nay gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3/14 khoản thu đạt dự toán 50% trở lên, 11/14 khoản thu thấp hơn dự toán dưới 50%.

Nhiều địa phương thu đạt dưới mức dự toán 50%. Khả năng cân đối ngân sách năm nay rất khó khăn, dự báo hụt thu so với dự toán ít nhất là 65.000 tỷ đồng.
 

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ và Thông tư 16/2013/TT-BTC ngày 8-2-2013 của Bộ Tài chính về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, trong đó có các giải pháp giãn, giảm thuế… cũng ảnh hưởng đến việc thu ngân sách

PV: Xin ông cho biết những giải pháp của ngành để phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2013?

Ông Phùng Văn Minh: Căn cứ vào tình hình thu 6 tháng đầu năm 2013 và các nguồn thu hiện đang quản lý trên địa bàn, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2013 của toàn ngành Thuế là 1.424,596 tỷ đồng, ước thực hiện thu cả năm 2013 là 2.696,5 tỷ đồng; đạt 85,90% dự toán pháp lệnh và đạt 108,79% so cùng kỳ năm 2012.

Những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cho các tháng cuối năm 2013  tập trung một số nhiệm vụ cơ bản như sau: Tập trung kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, công khai, minh bạch.

Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế các khoản thu ngân sách nhà nước cho một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính, chỉ đạo của tỉnh và các chính sách thuế có hiệu lực trong 6 tháng cuối năm 2013.

Triển khai chiến dịch thu ngân sách ngay trong quý 3-2013. Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế. Tập trung theo dõi, đôn đốc thu kịp thời các khoản thuế được gia hạn đến hạn nộp vào NSNN.

Tăng cường các biện pháp đôn đốc thanh toán nợ và cưỡng chế nợ thuế, hạn chế nợ mới phát sinh. Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu ngân sách, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu được giao gồm thanh tra 83 doanh nghiệp và kiểm tra tại trụ sở  620 doanh nghiệp.

Tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế vào các cơ sở kinh doanh có số hoàn thuế giá trị gia tăng lớn, phát sinh lỗ kéo dài, các doanh nghiệp được ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào... Phối hợp chặt chẽ các cơ quan và lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu, chống gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế, trên cơ sở đó nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế. Tuyên truyền, hướng dẫn và động viên các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử.

PV: Ông có thể cho biết thêm về tình trạng nợ thuế của các doanh nghiệp và giải pháp của ngành trước tình hình sản xuất của các doanh nghiệp hiện vẫn chưa sáng sủa?

Ông Phùng Văn Minh: Tổng số nợ thuế đến ngày 31-5-2013 là 366,5 tỷ đồng, tăng 64,3 tỷ đồng so với đầu năm 2013, trong đó nhóm nợ khó thu là 123,8 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu là 242,7 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt việc thu hồi các khoản nợ thuế còn tồn đọng, Cục Thuế tập trung một số giải pháp và kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung sau:

Ngành Thuế sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu phân loại nợ chính xác, thực hiện đúng các chủ trương của Nhà nước đối với các trường hợp được miễn, giảm, gia hạn nộp tiền thuế, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi dây dưa không nộp thuế, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước, cụ thể:

+ Áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như: Trích từ tài khoản tiền gởi của doanh nghiệp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ thuế; đình chỉ sử dụng hóa đơn và mã số thuế.

+ Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, thu thập xác minh các thông tin về tài sản, nhà xưởng, đất đai, phương tiện vận tải của doanh nghiệp nợ thuế. Truy tìm các đối tượng nợ thuế bỏ trốn để thu hồi tiền thuế, tiền phạt còn nợ kịp thời nộp vào NSNN.

Các sở, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền phối hợp và hỗ trợ ngành Thuế thực hiện một số công việc cụ thể sau:

+ Tiến hành tổ chức điều tra, xác minh tài sản hiện có của doanh nghiệp để có biện pháp thu hồi nợ. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Cung cấp thông tin liên quan về doanh nghiệp kịp thời hoặc tạm dừng làm thủ tục sang nhượng tài sản, bất động sản, phương tiện vận tải… của doanh nghiệp còn nợ thuế để cơ quan Thuế tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Thu hồi diện tích đất cho thuê đối với các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất nhưng không thực hiện nộp tiền thuê đất. 

+ Có văn bản yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp nếu thực sự bị phá sản thì làm thủ tục xin phá sản theo Luật Doanh nghiệp để thực hiện các chính sách giải quyết nợ theo quy định hoặc rút giấy phép đối với các doanh nghiệp không còn hoạt động.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.