Thứ Sáu, 17/07/2015, 15:06 (GMT+7)
.

Ông Trần Văn Bon: Phát triển giao thông nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc, ông Trần Văn Bon, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết:

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, chính quyền các cấp ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho GTNT là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ, phát triển thành phong trào, thu được kết quả to lớn, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.

Các địa phương trong tỉnh đã huy động và kết hợp được các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, các tổ chức khác tham gia đầu tư xây dựng GTNT, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm xây dựng GTNT để người dân hiểu đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và dân thực hiện là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Thông qua các dự án GTNT, năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác GTNT ở cấp xã được nâng cao. Qua thời gian dài làm GTNT đã tạo cho các cấp chính quyền rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là trong công tác lãnh đạo, tổ chức vận động nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhờ đó, chất lượng GTNT ngày càng nâng lên, nhân dân đã ý thức phát huy quyền làm chủ cùng tham gia giám sát công trình, tránh được sự thất thoát, làm giảm chất lượng công trình…

GTNT có bước phát triển mạnh mẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, làm giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho người dân trong thời gian nhàn rỗi…

* Phóng viên: Ông hãy cho biết những kết quả cụ thể qua 5 năm thực hiện công tác xây dựng, quản lý GTNT gắn với mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh?

* Ông Trần Văn Bon: Qua tổng hợp 5 năm (từ năm 2010 - 2015) về xây dựng và phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả như sau: Về đường bộ: Đã có 100% đường ô tô đến trung tâm xã, đưa dần hệ thống đường GNNT vào cấp kỹ thuật theo TCVN 4054:2005, từng bước kiên cố hóa cầu cống trên đường GTNT. Tuy nhiên, chưa bố trí được nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường GTNT. Về đường thủy: Từng bước cải tạo các bến hiện có để phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.

Đánh giá tình hình thực hiện 4 chỉ tiêu trong tiêu chí số 2 về giao thông theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về NTM: Số xã đạt 4 chỉ tiêu là 8 xã, đạt tỷ lệ 5,56%; số xã đạt 3 chỉ tiêu là 14 xã, đạt tỷ lệ 9,72%; số xã đạt 2 chỉ tiêu là 41 xã, đạt tỷ lệ 28,47%; số xã đạt 1 chỉ tiêu là 35 xã, đạt tỷ lệ 24,31%; còn lại 46 xã chưa đạt 4 chỉ tiêu của tiêu chí giao thông, chiếm tỷ lệ 31,94%.

Về chỉ tiêu tỷ lệ đầu tư: Tỷ lệ km đường xã được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt tỷ lệ 49,48%; tỷ lệ Km đường thôn, xóm được cứng hóa đạt tỷ lệ 42,48%; tỷ lệ Km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt tỷ lệ 36,42%.

Kết quả trên cho thấy việc thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM đạt kết quả rất hạn chế do khó khăn lớn nhất là nguồn vốn thực hiện chưa bảo đảm nhu cầu thực tế. Mặc dù vậy, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương và với sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, phong trào xây dựng GNNT đã trở thành cao trào trong tỉnh, thu được kết quả to lớn.

Một số địa phương được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển GTNT giai đoạn 2008 - 2013 như: Nhân dân và cán bộ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ); Nhân dân và cán bộ các xã: Bình Xuân (TX. Gò Công), Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen.

Xây dựng đường GTNT ở xã An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: Hoàng An
Xây dựng đường GTNT ở xã An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: Hoàng An

* Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng, phát triển GTNT vẫn còn không ít hạn chế, theo ông đó là gì?

* Ông Trần Văn Bon: Trong các năm qua, hệ thống GTNT đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp và có sự chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên hệ thống này vẫn đang trong tình trạng nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiến độ quy hoạch phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh còn chậm. Vốn đầu tư thiếu, chưa lồng ghép được các nguồn vốn trong khi việc đầu tư còn thiếu tính kế hoạch, dàn trải nên kéo dài thời gian thi công, gây nợ đọng làm giảm hiệu quả đầu tư.

Chất lượng thi công các tuyến đường GTNT chưa cao. Tải trọng cầu, đường nhiều tuyến GTNT chưa đồng bộ làm hạn chế khả năng vận chuyển và lưu thông hàng hóa vùng nông thôn. Một số công trình do dân tự làm không bảo đảm kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông.

Công tác bảo trì chưa được các địa phương chú trọng, chỉ tập trung đầu tư xây dựng công trình mới nên công trình nhanh chóng xuống cấp, hiệu quả đầu tư thấp. Đa số các địa phương chưa hình thành thói quen bảo dưỡng đường GTNT, từ đó chưa có kế hoạch tổ chức quản lý bảo trì.

Hệ thống tổ chức quản lý GTNT từ Trung ương đến địa phương chưa hình thành bài bản, đặc biệt cán bộ theo dõi công tác xây dựng GTNT cấp xã còn thiếu, chuyên môn, nghiệp vụ chưa được đào tạo thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất giữa các cấp quản lý không thực hiện đúng theo quy định. Việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức còn nhiều hạn chế.

Tình hình trật tự an toàn giao thông nông thôn trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp.

* Phóng viên: Ông có thể cho biết nhiệm vụ của ngành GTVT tỉnh nhà  trong thời gian tới?

* Ông Trần Văn Bon: Việc đầu tư phát triển GTNT đến năm 2020 cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, đề án để phát triển GTNT từ nay đến năm 2020 phải cần có kế hoạch tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới GTNT phù hợp với xây dựng NTM để kết nối hệ thống giao thông Quốc gia, phục vụ vận chuyển hàng hóa vùng nông thôn, giảm chi phí lưu thông nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, góp phần vào mục tiêu “Tam nông” (Nông nghiệp, nông dân và nông thôn) để cho nông thôn phát triển bền vững, bảo đảm môi trường, an sinh và trật tự an toàn xã hội.

Về vận tải: Từng bước phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về trung tâm xã, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân sống ở khu vực nông thôn. Phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với địa hình, kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực nông thôn. 100% các huyện có bến xe khách tại trung tâm, tối thiểu đạt loại 4.

Bố trí điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải hành khách công cộng. 100% các huyện có bến bãi phục vụ hàng hóa nông nghiệp. Tổ chức các dịch vụ sửa chữa phương tiện tại các trung tâm huyện.

Về phát triển kết cấu hạ tầng của đường bộ: Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông hóa đối với đường huyện đạt 100%, đối với đường xã đạt 70%. Đưa dần hệ thống GTNT vào cấp kỹ thuật theo TCVN 4054:2005.

Kiên cố hóa hệ thống cầu cống trên đường GTNT, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Phát triển hệ thống đường thôn xóm, đường trục chính nội đồng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Từng bước bố trí các nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng hệ thống đường GTNT; về đường sông: Kết hợp với hệ thống thủy lợi nâng cấp, cải tạo các tuyến vận tải thủy nội địa.

Từng bước lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo đảm bảo các phương tiện thủy lưu thông an toàn, hiệu quả. Từng bước xây dựng các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông để vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển GTNT theo chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường năng lực quản lý GTNT đặc biệt là cấp xã; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cấp huyện, xã về kiến thức quản lý và kỹ thuật. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển GTNT.

Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, chú trọng sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Vận động nhân dân đóng phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô 2 bánh nhằm phục vụ xây dựng và bảo trì đường GTNT tại địa phương.

Tuyên truyền, nhân rộng mô hình điển hình, biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên các tổ chức, cá nhân tích cực cùng tham gia xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn trong nước và kêu gọi thêm nguồn vốn ODA để hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng GTNT phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kiến nghị Bộ GT-VT xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng GTNT theo hướng “Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép, một số vật liệu chủ yếu và dân tự tổ chức thực hiện”.

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN HỮU (thực hiện)

.
.
.