Thứ Sáu, 25/03/2016, 13:36 (GMT+7)
.
ÔNG HUỲNH VĂN PHƯƠNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TỈNH:

Công tác chuẩn bị bầu cử đúng tiến độ, trình tự theo luật định

Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh về tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; tiến độ và kết quả các bước hiệp thương.

Theo đó, ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND là công dân Việt Nam, có tuổi đời từ 21 tuổi trở lên.

Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH  phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn của ĐBQH  theo Luật Tổ chức Quốc hội, đó là:

Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và mọi hành vi vi phạm pháp luật khác;

Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu HĐND cũng là tiêu chuẩn của đại biểu HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định 4 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND như sau:

Trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Hiến pháp và phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt;

Có trình độ, năng lực, uy tín và kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ và có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

* PV: Kết quả hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp như thế nào, thưa ông?

* ÔNG HUỲNH VĂN PHƯƠNG: Đến thời điểm này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức hiệp thương lần thứ 2 lập danh sách sơ bộ ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND cùng cấp đúng quy định về tiến độ, trình tự và thủ tục theo luật định.

Cụ thể: Kết quả hiệp thương lần thứ 2 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông qua danh sách 12 ứng cử viên ĐBQH cư trú tại địa phương, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 41,66% và tỷ lệ trẻ là 25%; danh sách 114 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh (có 1 người tự ứng cử), trong đó chiếm 39,45% nữ, 13,15% người ngoài Đảng và 21,92% trẻ tuổi.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị (gọi tắt là cấp huyện) đã tổ chức hiệp thương lần 2 thông qua danh sách 716 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và các xã, phường, thị trấn cũng đã hiệp thương thông qua danh sách 8.375 ứng cử viên đại biểu HĐND cùng cấp.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Ảnh: P. Mai

Qua kết quả hiệp thương cho thấy, ứng cử viên đều đạt tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ… Cơ cấu thành phần ứng cử viên HĐND bảo đảm quy tụ được tiếng nói của đồng bào các giới trí thức, tôn giáo, nông dân, doanh nhân, phụ nữ, thanh niên…

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi ứng cử viên cư trú; đồng thời tiến hành xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri đối với ứng cử viên nếu có, nhằm đảm bảo chọn đúng người có uy tín và trách nhiệm, đủ đức đủ tài, đại diện được cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Sau khi có kết quả nhận xét của cử tri, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 để lập danh sách ứng cử viên chính thức, công bố chậm nhất vào giữa tháng 4-2016.

* PV: Xin cảm ơn ông!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.