Thứ Ba, 26/07/2016, 05:44 (GMT+7)
.

Công đoàn đẩy mạnh hiệu quả hoạt động và chủ động hội nhập

Chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng tầm với sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm vẻ vang của giai cấp công nhân trong tiến trình lịch sử dân tộc là điều mà Đảng ta luôn quan tâm. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam nói chung và CĐ Tiền Giang nói riêng.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và tổ chức CĐ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh.

Nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập CĐ Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2016), ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết:

Giai cấp công nhân cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng ngày càng khẳng định rõ vị trí đi đầu của mình trong toàn bộ tiến trình đổi mới, đi lên của đất nước và địa phương.

Hiện toàn tỉnh có hơn 140.000 CNVCLĐ đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh; 11 LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã; 6 Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức, Công đoàn Các khu Công nghiệp; 1.446 Công đoàn cơ sở, với 112.995 đoàn viên, tăng hơn 12 lần so với năm 1976.

Về nhận thức chính trị và tâm lý xã hội, nét nổi bật bao trùm là đội ngũ CNVCLĐ tỉnh nhà tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của giai cấp công nhân, với các tầng lớp lao động và toàn thể nhân dân. Đó là nhân tố quan trọng đảm bảo công cuộc đổi mới thành công.

* Phóng viên (PV): Trong nhiều năm qua, đã có không ít lần ông về cơ sở để thăm công nhân, lao động (CNLĐ). Vậy vấn đề nào về CNLĐ mà ông quan tâm nhất?

* Ông Trương Văn Hiền: So với trước đây, thu nhập và đời sống CNLĐ đã được cải thiện phần nào nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là lao động phổ thông, một lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay. Mặc dù vậy nhưng hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nên việc chăm lo cải thiện đời sống tinh thần cho CNLĐ cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, do đa số DN chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ nên họ phải thuê nhà trọ ở khu dân cư, vừa chật hẹp lại vừa thiếu các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, do áp lực cường độ lao động cao nên sau giờ làm việc ở doanh nghiệp CNLĐ không có điều kiện để học tập nâng cao trình độ học vấn cũng như chuyên môn nghề nghiệp. Đó là những bức xúc rất chính đáng và cũng là những vấn đề mà CNLĐ cũng như tổ chức CĐ đang quan tâm hiện nay. 

* PV: Hiện nay đa số CNLĐ đang làm việc tại các DN đều xuất thân từ nông dân mà ra. Vậy ông có nhận xét, đánh giá gì về đội ngũ CNLĐ?

* Ông Trương Văn Hiền: Do sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế, cùng với việc chuyển đổi mô hình quản lý và hình thức sở hữu nên đã phát triển nhiều DN. Số lượng CNLĐ ngày càng tăng do sự dịch chuyển CNLĐ từ nhiều lĩnh vực, trong đó từ nông thôn ra thành thị chiếm tỷ lệ trên 50%.

Do hạn chế về nhiều mặt, nhất là trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nên đa số là lao động phổ thông hoặc được đào tạo ngắn hạn tại DN với những nghề không đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao như may mặc, chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc… Đặc biệt là do hạn chế về nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật nên dễ bị thiệt thòi về quyền lợi trong việc thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tranh chấp, phản ứng lao động tập thể trên địa bàn tỉnh thỉnh thoảng đã xảy ra trong thời gian qua. Vấn đề này đã được LĐLĐ tỉnh phản ảnh và được các ngành, các cấp hữu quan trong tỉnh quan tâm tìm giải pháp điều chỉnh, nhất là việc vận động người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho CNLĐ nâng cao trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kiến thức pháp luật, chính trị… Nhưng điều cốt lõi hơn cả là chính bản thân CNLĐ cũng cần có những thay đổi về nhận thức để nỗ lực phấn đấu vươn lên nhằm thích ứng với tình hình mới.

Phong trào CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi hội nhập.
Phong trào CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi hội nhập.

* PV: Đó là những đòi hỏi ở bản thân CNLĐ, còn phong trào CNVCLĐ và tổ chức CĐ tỉnh nhà cần phải làm gì trong tình hình mới, nhất là trước những dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thử thách khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định liên quan đến lao động và CĐ Việt Nam, thưa ông?

* Ông Trương Văn Hiền: Những thời cơ, thách thức mà TPP mang lại đang là những điều mà người lao động và tổ chức CĐ trong cả nước cũng như ở tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Một trong những nội dung chính về lao động được quy định trong TPP là các nước tham gia phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở.

Nội dung đó được hiểu cụ thể hơn là sẽ có tổ chức của người lao động đứng ngoài tổ chức CĐ Việt Nam vận động và phát triển đoàn viên. Tổ chức này tiến hành các hoạt động thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể; đình công và tiến hành các hoạt động tập thể có liên quan đến lao động theo tuyên bố ILO và quy định pháp luật của Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là gia nhập TPP, đòi hỏi tổ chức CĐ Việt Nam nói chung và CĐ Tiền Giang nói riêng phải đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động CĐ; phải bám sát vì người lao động và thực sự là chỗ dựa của người lao động; bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường đối thoại thiện chí, thương lượng tập thể thực chất và thực hiện sự tương tác hiệu quả ba bên.

Những tác động cùng với các cơ hội, thách thức đối với lao động và tổ chức CĐ khi gia nhập TPP cũng là những đòi hỏi tổ chức CĐ cần có giải pháp giữ vững vị thế, hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất để tổ chức CĐ chủ động hội nhập.

* PV: Xin cảm ơn ông!

HỮU NGHỊ (thực hiện)

Phong trào CNVCLĐ và tổ chức CĐ: Nhiều hoạt động mang lại hiệu quả

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh ổn định. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngừng việc tập thể của công nhân, lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp (DN) khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Khi xảy ra các vụ ngừng việc tập thể, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn (CĐ) phối hợp ngành chức năng và DN giải quyết kịp thời, CNLĐ ổn định và làm việc bình thường.

Công tác đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và CNVCLĐ luôn được các cấp CĐ xác định là công tác trọng tâm và được quan tâm thực hiện tốt, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân.

Các cấp CĐ đã vận động các đơn vị, DN ủng hộ, đóng góp Quỹ Mái ấm Công đoàn và phục vụ việc sửa chữa, xây dựng, bàn giao 54 Mái ấm Công đoàn, với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng; vận động hơn 7,6 tỷ đồng để tặng hàng ngàn suất quà cho CNLĐ hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động và CNLĐ làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa...

Các phong trào thi đua yêu nước được các cấp CĐ phát động, tập trung đẩy mạnh và được đông đảo CNVCLĐ đồng tình, hưởng ứng tích cực. Kết quả, có 73 công trình, hơn 5.000 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được các cấp CĐ đăng ký thi đua thực hiện, trong đó có 40 công trình hoàn thành trước hạn, tiết kiệm 549 ngày công và hơn 2,4 tỷ đồng...

P. NGHI

.
.
.