Thứ Bảy, 31/03/2018, 11:20 (GMT+7)
.

Mùa mưa năm nay đến sớm

Đó là nhận định của Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông xung quanh thời tiết năm 2018.

 

Mùa mưa năm 2018 sẽ chính thức bắt đầu vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Do vậy, vào nửa cuối tháng 4, lượng mưa có xu hướng tăng dần và tổng lượng mưa tháng 4 và 5 có khả năng ở mức từ xấp xỉ đến cao hơn từ 15% - 30% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Từ tháng 6 đến tháng 10, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình cùng kỳ nhiều năm. Tháng 11 và 12, mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

* Phóng viên (PV): Chiều 22-3, một số địa phương của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận đã xuất hiện cơn mưa to đến rất to. Nguyên nhân cơn mưa đó từ đâu?

“Giải nhiệt” nhờ cơn mưa to trái mùa

Cơn mưa trái mùa rất to và kéo dài hơn 1 giờ vào chiều 22-3 đã “giải nhiệt” cho người dân, cây trái, vật nuôi… trong mùa nắng nóng ở một số địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang nói riêng và một số tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Theo người dân, cơn mưa to, rất to ngay trong mùa nắng nóng như chiều tối 22-3 đã giúp không khí bớt oi bức, các mầm bệnh tích trữ lâu ngày trong đất được rửa trôi, hơi trong đất không bốc lên…

* Đồng chí Võ Văn Thông: Cơn mưa to và rất to xuất hiện ở một số địa phương của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận vào chiều 22-3 là do khối mây giông phát triển. Khối mây này rất lớn, nằm trải dài một khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long nên xảy ra mưa ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Trong đó, mưa nặng hạt và kéo dài nhất tại trung tâm TP. Mỹ Tho, với lượng mưa đo được tại Trạm đo TP. Mỹ Tho là 51,5 mm. Đây là cơn mưa trái mùa, không phải là cơn mưa đầu mùa năm 2018. Sau đó nắng nóng trở lại, nền nhiệt có lúc ở mức 34 - 350 C, thậm chí có ngày nhiệt độ lên tới 360 C.

Qua tuần đầu tháng 4 sẽ xuất hiện từ 1 - 2 cơn mưa chuyển mùa và mùa mưa thật sự đến vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

* PV: Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm, vậy bão, áp thấp nhiệt đới năm nay có xuất hiện nhiều như năm rồi không?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Theo dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, trong năm có khoảng 12 - 14 cơn hoạt động trên Biển Đông và có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Vào thời kỳ đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch chuyển dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng nhiều đến khu vực Trung bộ.

* PV: Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, xin đồng chí cho biết tình hình khí tượng hiện nay như thế nào?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Hiện tại, ENSO tiếp tục được xác định ở trạng thái La Nina (pha lạnh với đặc điểm chung là gây mưa nhiều, mát mẻ và lạnh), chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 (Tây Thái Bình Dương), thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đến thời điểm nửa đầu tháng 3-2018, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển là -0,80C, tăng so với cuối tháng 2 là 0,30C.

Theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, xu hướng tăng dần của nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ các tháng nửa cuối năm 2018, với xác suất khoảng 55% - 65%.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.