Thứ Tư, 05/09/2018, 21:33 (GMT+7)
.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thanh Vân:

Cần dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng

Công nghệ số đang làm cho thế giới thay đổi từng ngày. Điều này mang lại cho xã hội nói chung và trẻ em nói riêng nhiều cơ hội cũng như thách thức. Trong đó, cơ hội là được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận; còn thách thức là sẽ dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh, nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số. Xung quanh vấn đề này, đồng chí Phan Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết:

Việt Nam là một trong những nước có mức độ truy cập internet cao. Do vậy, trẻ em hiện nay cũng tiếp xúc ngày càng sớm với môi trường internet. Trung bình trẻ em ở độ tuổi lên 9 là đã có thể tiếp cận internet từ thiết bị riêng của mình. Hiện có khoảng 22% trẻ sử dụng ít nhất 2 thiết bị truy cập internet.

Nhìn nhận về mặt tích cực thì internet và công nghệ số đã mang lại cho trẻ em thời nay khá nhiều lợi ích. Đó là tạo sự tương tác rất lớn giữa trẻ em với thế giới bên ngoài, làm tăng khả năng tiếp cận thông tin, giúp trẻ xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số. Ngoài ra, còn làm tăng tính cạnh tranh trong học tập của trẻ, do điều kiện được tiếp cận khối tri thức khổng lồ và tương tác với nhiều tài liệu học tập trên mạng; đồng thời, tạo kỹ năng thích ứng với môi trường thông qua những thông tin, kiến thức mà các em tìm hiểu được trên internet.

* Phóng viên (PV): Theo đồng chí, bên cạnh những yếu tố tích cực thì trẻ em có thể bị những ảnh hưởng xấu nào từ internet?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Thực tế hiện nay cho thấy, đa phần người sử dụng internet là giới trẻ. Khi tham gia vào môi trường mạng, bên cạnh cơ hội được tiếp cận nguồn thông tin phong phú thì trẻ em cũng sẽ gặp phải nhiều rủi ro như: Dễ bị lôi kéo, kích động; bị xâm hại hay bị lừa đảo qua các trò chơi trên mạng; bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh đến nhân cách, tinh thần của trẻ… Mặt khác, do nguồn thông tin trên mạng không có ai giám sát, kiểm duyệt nên có rất nhiều thông tin sai lệch, văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan trên mạng, trong khi giới trẻ còn chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin. Điều này dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc, kéo theo đó là hành động sai lầm trong giới trẻ như: Giết người, nghiện hút, mại dâm...

* PV: Như vậy, cộng đồng cũng như gia đình sẽ phải làm gì để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trong môi trường mạng. Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ trong môi trường mạng, nhất là khi các mạng xã hội (MXH) đang bùng nổ và chi phối nhiều đến trẻ em như hiện nay thì vai trò của gia đình vẫn là quan trọng. 

Bảo vệ trẻ trong môi trường mạng không có nghĩa là cấm trẻ sử dụng internet hay thiết bị công nghệ mà là kiểm soát các trang MXH trẻ hay truy cập cũng như nội dung đưa lên MXH của trẻ. Để làm được điều này thì cha mẹ cũng phải thay đổi, học hỏi để theo kịp sự phát triển của công nghệ số nhằm kiểm soát và cùng trẻ khám phá tri thức. Quan trọng là nên dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng như: Không kết bạn, không nói chuyện với người lạ trên internet; không cung cấp, chia sẻ những thông tin, hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại cá nhân và các thành viên trong gia đình công khai trên mạng cũng như cho người lạ quen biết trên mạng. Đặc biệt, yêu cầu trẻ không nên để người khác biết mình đang ở nơi nào đó một mình và trong tâm trạng cô đơn, buồn chán… nhằm tránh tình trạng trẻ bị dụ dỗ, lợi dụng, bị xâm hại.

Tuy nhiên, chỉ có gia đình, cha mẹ thì cũng không thể nào kiểm soát và ngăn chặn được những hiểm họa trên internet. Đây là một công việc cần có sự phối hợp từ nhiều phía bao gồm: Nhà nước, phụ huynh, nhà trường, các công ty giải pháp mạng, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng. Trong đó, chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em. Các đơn vị chủ quản này cũng cần ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý khi có vấn đề xảy ra.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng và cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.

* PV: Với chức năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ngành LĐ-TB&XH của tỉnh làm gì để bảo vệ tốt nhất trẻ em trong thời đại công nghệ số?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Ngành LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác trẻ em. Trong thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã có những biện pháp để bảo vệ trẻ em như: Hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Riêng đối với vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, ngành đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với một số sở, ngành liên quan tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh về vấn đề sử dụng MXH. Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn các em và cả phụ huynh nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi sử dụng internet; đồng thời, trang bị cho các em những kỹ năng nhận diện những mặt tích cực và tiêu cực của MXH.

Mặt khác, để tạo nên sự đồng bộ trong công tác bảo vệ trẻ em, mỗi cơ quan liên quan cần tích cực thực hiện vai trò của mình, đặc biệt là những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát MXH, để kịp thời ngăn chặn những thông tin, nội dung xấu tràn lan.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN THẢO (thực hiện)

.
.
.