Thứ Hai, 26/11/2018, 15:44 (GMT+7)
.
CHÁNH VĂN PHÒNG BAN ATGT TỈNH NGUYỄN VĂN NÊN:

Đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả của TNGT do rượu, bia

Thời gian gần đây, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có chiều hướng gia tăng.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Nguyễn Văn Nên trao đổi:

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, TNGT liên quan đến rượu, bia xảy ra 18 vụ, chiếm tỷ lệ 6,9% trong tổng số 261 vụ TNGT trên địa bàn toàn tỉnh.

Người điều khiển mô tô đã uống rượu, bia say không làm chủ được tay lái đã vi phạm các lỗi như: Chạy quá tốc độ, vượt ẩu, chạy không đúng làn đường, sai chiều đường; thậm chí không chấp hành tín hiệu giao thông, cự cãi, chống đối lực lượng đang làm nhiệm vụ, kể cả với các y, bác sĩ khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu... Có thể nói, lái xe khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian qua.

* PV: Mức xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia hiện hành là bao nhiêu?

* Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Việc chế tài vi phạm các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia tại Việt Nam hiện nay vẫn ở mức quá nhẹ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, thực tế cho thấy, tại bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi đã dùng rượu, bia có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường cho bản thân người điều khiển phương tiện và mọi người xung quanh.

Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày trước Quốc hội vào ngày 9-11, nêu rõ: “Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở nam giới độ tuổi 15 - 49. Năm 2014, TNGT liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới...”.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, quy định: “Nghiêm cấm người điều khiển ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…”.

Còn theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-8-2016, quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia, cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.

Người lái ô tô có thể bị phạt đến 8 triệu đồng và bị tịch thu giấy phép lái xe (GPLX) trong 6 tháng. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 6 tháng tùy từng trường hợp.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.

Người lái xe máy có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tịch thu GPLX trong 5 tháng. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 5 tháng tùy từng trường hợp.

* PV: Theo đồng chí, các ngành chức năng cần làm gì để hạn chế tình trạng TNGT xảy ra do điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia?

* Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Qua thống kê số vụ TNGT xảy ra ở tỉnh ta, TNGT nghiêm trọng (dẫn đến chết người) chủ yếu xảy ra ở các đường tỉnh, đường huyện, mà nguyên nhân phần lớn do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia rồi phóng nhanh, vượt ẩu là đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một cặp hành động, đó là: Tuyên truyền và xử phạt.

Ban ATGT tỉnh yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Khi kiểm tra, phát hiện lái xe có độ cồn vượt quá quy định thì cương quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt.

Bên cạnh đó, Ban ATGT còn tham mưu UBND tỉnh giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về vấn đề này.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể sẽ làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt chú trọng đến hậu quả của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia say và mức xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

PHÙNG LONG (thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.