Thứ Hai, 24/10/2022, 16:53 (GMT+7)
.

Thị trường xuất khẩu thủy sản đang ấm lên

(ABO) Thống kê của ngành Công thương cho thấy, sau thời gian dài chịu tác động từ dịch Covid-19, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có dấu hiệu phục hồi khá tốt, với mức tăng hơn 20% về số lượng và gần 74% về giá trị xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đạo.
Ông Nguyễn Văn Đạo.

Dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn tiếp giữ mức tăng trưởng cao do nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh. Để làm rõ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho) phân tích:

Đại dịch xảy ra hơn 2 năm, cao điểm từ năm 2020 đến nay, đã tác động đến rất nhiều khâu trong chuỗi sản xuất của ngành hàng thủy sản xuất khẩu, từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và cả lưu thông sản phẩm. Nhiều khâu sản xuất bị đình đốn, nên khi thế giới, cũng như trong nước cơ bản kiểm soát được đại dịch từ cuối năm năm 2021 đến nay, tình hình chung là thị trường ấm dần lên, các chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động đều đặn, chuỗi vận chuyển cũng ngày thông thương nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn.

Thị trường xuất khẩu thủy sản ấm dần lên.
Thị trường xuất khẩu thủy sản ấm dần lên.
Đánh giá chung của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho thấy, bên cạnh thuận lợi, phục hồi kinh tế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua cũng còn có những “điểm nghẽn”. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp gặp phải là chi phí vận chuyển tăng cao, áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí sản xuất, chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao; đồng thời, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất ở mức cao do ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp… Chưa kể, tình hình thiếu lao động tại các doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid, hiện các doanh nghiệp đang thiếu lao động nên chưa đảm bảo hoạt động sản xuất. Ngoài ra, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, như thị trường Trung Quốc, hiện thị trường này đang áp Lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài “và Lệnh 249  “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đối với doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này...

Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, trong đó có nhóm ngành thủy sản chế biến xuất khẩu cũng sôi động hơn. Trên đà như thế, các chỉ số sản xuất, kinh doanh của công ty cũng tăng trưởng tốt, hiện đạt xấp xỉ so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tạo nên khí thế mới hơn, vui tươi hơn.

* Phóng viên (PV): Mức tăng trưởng cụ thể của ngành như thế nào?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: So với trước dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng nhìn chung của ngành và của riêng công ty cũng đã đạt mức xấp xỉ, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng thủy sản xuất khẩu tăng gấp 2 lần. Riêng các chỉ tiêu mà công ty đặt ra trong năm 2022 như doanh thu, giá trị xuất khẩu, khối lượng sản phẩm làm ra… nếu tính đến thời điểm này đã đạt được từ 70% - 80%.

* PV: Đâu là khó khăn hiện nay của ngành hàng này?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Mặc dù thị trường có nhiều điểm sáng nhất định, dấu hiệu hồi phục tương đối tốt nhưng ngành hàng chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, một trong những thị trường tiêu thụ lớn đối với ngành hàng thủy sản của Việt Nam như Trung Quốc vẫn còn thực hiện chính sách Zero Covid hay chiến trang giữa Nga và Ukraine làm cho chuỗi cung ứng cũng bị tắt nghẽn, chưa kể giá dầu tăng… làm cho lạm phát tăng, nên sức tiêu thụ cũng giảm đi phần nào. Bên cạnh đó, thời gian gần đây lãi suất ngân hàng cũng tăng làm cho chi phí tài chính tăng theo nên khả năng cạnh tranh sản phẩm ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Thủy sản xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Thủy sản xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Tất nhiên, khi lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ tụt giảm ở mức tương ứng và sâu xa hơn khả năng mở rộng, phát triển trong tương lai cũng phải được cân nhắc, thận trọng một cách hợp lý, đi cùng với việc soát xét lại chi phí các khâu sản xuất. Nói chung, với tổng hòa chi phí đầu vào tăng như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số sản xuất, kinh doanh cơ bản của công ty vào cuối năm.

* PV: Nhận định tình hình thị trường trong thời gian tới?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Nếu với đà hồi phục kinh tế nói chung, đối với nhóm ngành thủy sản xuất khẩu như hiện nay, nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu sẽ có bước phục hồi tốt hơn, nhiều cơ hội kinh doanh sẽ được mở ra. Dựa trên xu hướng như thế, công ty cũng đang tập trung nghiên cứu thực hiện các giải pháp để đón những cơ hội mới. Còn trong kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, công ty cũng dự định mở thêm một nhà máy chế biến mới, nhằm hướng đến mục tiêu đạt khoảng 120 triệu USD xuất khẩu trong năm 2023.

* PV: Xin cảm ơn ông!

TA (thực hiện)

.
.
.