Thứ Hai, 20/02/2023, 08:32 (GMT+7)
.

Kịp thời khen thưởng các gương điển hình tiên tiến

Năm 2022, tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Trao đổi với Báo Ấp Bắc, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Lan cho biết:

Năm 2022, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT”, các phong trào thi đua được các ngành, các cấp triển khai ngay từ đầu năm, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Qua đó, phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các phong trào lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể.                                                                                                           Ảnh: LÊ MINH
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể. Ảnh: LÊ MINH

Cụ thể, Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, được các ngành, các cấp, địa phương tổ chức với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái”; động viên, khuyến khích toàn thể nhân dân tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Qua thực hiện phong trào thi đua đặc biệt này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể, 2 cá nhân và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 3 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 201 tập thể, 528 cá nhân về thành tích đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, được các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực tăng cường vận động người dân tham gia xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 136/142 xã, chiếm 95,8%; có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, lũy kế đạt 37/142 xã; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện NTM, nâng tổng số có 4/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM gồm Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Cai Lậy và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy).

Tiếp đến là Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh; tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi… Thông qua Mặt trận, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí cho Quỹ “Vì người nghèo” thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Bên cạnh đó, đã giải quyết cơ bản hoàn tất các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết 126 của Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể đã hỗ trợ trên 2.400 đơn vị giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động ngừng việc, mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động tự do, người thuộc F1, F0 với trên 552.000 người, số tiền trên 1.031 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 29.670 người lao động với số tiền 39,95 tỷ đồng theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn... được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Đến nay, đã giải ngân cho 22.040 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 709,429 tỷ đồng...

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phát động nhiều chuyên đề thi đua như: “Tiền Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025; “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; “Nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên” giai đoạn 2022 - 2025; “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm” giai đoạn 2022 - 2025; “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Cải cách hành chính” năm 2022. Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực…

rưởng Ban Thi đua - Khen thưởng  tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Lan.
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Lan.

* Phóng viên (PV): Theo đồng chí, công tác TĐ-KT còn những khó khăn, hạn chế gì cần khắc phục và những bài học kinh nghiệm được rút ra đối với công tác TĐ-KT trong năm qua?

* Đồng chí Huỳnh Thị Lan: Nhìn chung, qua phát động phong trào thi đua đã có tác dụng chuyển biến nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với công tác TĐ-KT. Các phong trào TĐYN được phát động rộng khắp, góp phần động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà trong năm 2022.

Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, phong trào thi đua có nơi chưa phát triển thường xuyên, nội dung chưa phong phú, hình thức tổ chức chưa đa dạng; chưa thu hút được nhiều lực lượng hưởng ứng, tham gia. Việc triển khai phong trào thi đua tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn mang tính hình thức; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể hóa được phong trào thi đua do cấp trên phát động.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, nhân rộng điển hình còn hạn chế, các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền gương điển hình. Một số Hội đồng TĐ-KT cấp cơ sở chưa theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị. Tổ chức hoạt động của một số cụm, khối thi đua chưa thật sự hiệu quả; việc suy tôn đề nghị khen thưởng có nơi còn biểu hiện luân phiên.

Từ đó, kinh nghiệm được rút ra là công tác TĐ-KT sẽ phát huy tác dụng tốt hơn ở những nơi mà lãnh đạo Đảng, chính quyền tích cực lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì thực hiện phương châm “Cả hệ thống chính trị làm công tác TĐ-KT”. Đội ngũ làm công tác TĐ-KT ổn định, có năng lực trình độ, tinh thần trách nhiệm cao thì nơi đó công tác TĐ-KT được duy trì thường xuyên, có nền nếp và hiệu quả cao.

Cùng với đó, duy trì mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; thi đua phải đúng lúc, khen thưởng phải kịp thời; việc sơ, tổng kết ngoài tôn vinh các điển hình tiên tiến, cần thiết phải đánh giá, rút kinh nghiệm để xây dựng phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác TĐ-KT.

* PV: Đồng chí có thể cho biết các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong năm 2023?

* Đồng chí Huỳnh Thị Lan: Năm 2023, cần tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng TĐ-KT các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương, bộ, ban, ngành tỉnh phát động.

Các ngành, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cần tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cụ thể, thiết thực, các vấn đề bức xúc của xã hội như phòng, chống tham nhũng; tiêu cực, cải cách hành chính; giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; ô nhiễm môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh; xây dựng NTM…

Tăng cường công tác kiểm tra TĐ-KT để phong trào này thực sự đi vào chiều sâu tạo động lực thúc đẩy phát triển. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đột xuất. Chú trọng nâng cao tỷ lệ khen thưởng cho công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; gương người tốt, việc tốt, giới thiệu những mô hình mới, nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả để kịp thời động viên và làm mẫu cho các đơn vị, cá nhân noi theo, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!


HOÀI THU (thực hiện)

 

.
.
.