Thứ Hai, 17/08/2015, 05:50 (GMT+7)
.

Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ: Từ ngày thường đến ngày hội

Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 521/QĐ-TTg về việc chọn ngày 19-8 hàng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 4-5-2010 và các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành, thị về việc tổ chức thực hiện Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, hàng năm chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có kế hoạch hướng dẫn tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và Công an các cấp định kỳ tổ chức ngày hội với các nội dung, hình thức phù hợp.

Mô hình cổng tự quản về ANTT tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Mô hình cổng tự quản về ANTT tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.

10 năm qua, lực lượng Công an làm nòng cốt phối hợp các ngành, đoàn thể các cấp tổ chức gần 1,2 triệu đợt tuyên truyền với gần 33 triệu lượt người tham gia. Điều đó cho thấy Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ thật sự đi vào đời sống với nhiều hình thức như: Họp dân, biểu dương mô hình tiêu biểu ở khu dân cư, triển lãm hình ảnh, phát hành tờ bướm thông tin tình hình và biện pháp cơ bản giữ gìn ANTT, phòng, chống tội phạm.

Cùng với việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động văn hóa, thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ, tọa đàm, mít tinh, diễu hành… nhân dân tự nguyện, tự giác tham gia phong trào và đã cung cấp trên 38 ngàn nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan Công an điều tra khám phá, xử lý trên 25 ngàn đối tượng phạm tội và vi phạm; vận động 347 đối tượng ra đầu thú, trong đó có 47 đối tượng đang có lệnh truy nã; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ trên 8 ngàn lượt người vi phạm tại gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng 76 câu lạc bộ pháp luật và phòng, chống tội phạm, 207 hòm thư tố giác tội phạm. Hiệu quả từ phong trào đã góp phần làm cho tình hình tội phạm giảm theo từng năm.

10 năm qua, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ (nhân dịp 19-8 hàng năm) đã trở thành ngày hội rộng khắp. Các huyện, thành, thị chọn từ 1 - 2 xã làm điểm; các xã, phường, thị trấn chọn 1 ấp, khu phố làm điểm, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng và tổ chức đồng loạt đến ngày 19-8 là kết thúc. Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chọn từ 3 - 4 đơn vị làm điểm tổ chức.

Ngày hội được các nơi tổ chức đầy đủ cả 2 phần lễ và hội. Riêng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; ấp, khu phố không có điều kiện tổ chức hoạt động ngày hội thì tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền trong 100% cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Qua phát động thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, phát huy hiệu quả đã được các cấp công nhận và nhân rộng. Điển hình là các mô hình:

Cổng tự quản về an ninh trật tự, mua bảo hiểm y tế cho Tổ trưởng, Tổ phó Tổ NDTQ (Cái Bè, Cai Lậy); tuyến đường thanh niên tự quản về ANTT; khu dân cư điểm về an toàn giao thông (Tân Phước); câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật; ánh sáng phòng, chống tội phạm (Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Đông);

Vận động hộ có nguy cơ bị tội phạm tấn công, có nguy cơ vi phạm pháp luật, nghiệp đoàn xe mô tô, ôtô chở khách phòng, chống tội phạm (TP. Mỹ Tho, Gò Công Tây); câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm (TX. Gò Công); xã, phường điểm về phòng, chống tội phạm (Mặt trận Tổ quốc); ông, bà, cha, mẹ gương mẫu, con cháu chăm ngoan (Hội Người cao tuổi); sáng, xanh, sạch và an ninh (Đoàn Thanh niên);

Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ); đề án xây dựng tổ công nhân, lao động tự quản về ANTT khu nhà trọ (Liên đoàn Lao động); Chương trình “1 tăng, 4 giảm” (Ban Dân vận Tỉnh ủy)…

Hiệu quả từ điển hình - mô hình đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đa số các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể và nhân dân về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và đã trở thành ngày hội toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT.

Đến nay toàn tỉnh có 165/173 xã, phường, thị trấn; 1.025/1.025 khu phố, ấp; 518/670 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT. Trên 2.500 tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được biểu dương, khen thưởng.

Ra mắt Nghiệp đoàn Môtô phòng, chống tội phạm phường 7, TP. Mỹ Tho.
Ra mắt Nghiệp đoàn Môtô phòng, chống tội phạm phường 7, TP. Mỹ Tho.

Qua thực tiễn thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, cho thấy:

Nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm sâu sát, Công an và các ban, ngành, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt thì ở đó phong trào được phát triển, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức trang trọng, chu đáo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, ANTT được đảm bảo.

Công tác phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ chỉ thật sự đạt kết quả tốt khi từng cá nhân trong cộng đồng nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia xây dựng phong trào bằng những việc làm cụ thể và phong trào phải được thực hiện kết hợp với các phong trào hành động cách mạng khác ở địa phương.

TRẦN HỮU PHONG

.
.
.