Thứ Sáu, 10/06/2016, 11:23 (GMT+7)
.

Công tác phòng, chống thiên tai - TKCN là nhiệm vụ thường xuyên

Với đặc điểm là nơi tập trung đông dân cư, đời sống kinh tế của người dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt khai thác thủy hải sản; lượng ghe tàu hoạt động ra - vào trên các cửa sông và trên biển rất đông, kéo theo tai nạn trên biển xảy ra liên tục.

Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới) trên khu vực biên giới biển của tỉnh diễn biến bất thường và lốc xoáy, triều cường, sạt lở, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không ít đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân ven biển Gò Công.

Tàu BĐBP cứu hộ ngư dân.
Tàu BĐBP cứu hộ ngư dân.

Xuất phát từ các yếu tố trên, lực lượng BĐBP tỉnh luôn xác định công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là 1 trong 2 nhiệm vụ thường xuyên (cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu), có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm hạn chế, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực ven biển.

Xuất phát từ tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, trong đó BĐBP tỉnh trực tiếp thực hiện công tác TKCN trên biển. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã xây dựng và trình thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP phê duyệt Phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão; chỉ đạo các đơn vị rà soát, bổ sung sát với tình hình thực tế các kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và TKCN; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập.

Duy trì nghiêm túc các chế độ trực, sẵn sàng sử dụng lực lượng, phương tiện ứng phó với sự cố thiên tai xảy ra. Trong năm qua, BĐBP tỉnh đã thông báo cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và các tàu cá ngư dân tiếp cận cứu hộ, cứu nạn 6 tàu cá bị tai nạn; sử dụng trực tiếp lực lượng, phương tiện của đơn vị cứu hộ thành công 1 phà chở khách/40 người bị chết máy trôi dạt trên sông; tham gia cứu nạn 4 vụ tàu cá bị tai nạn trên biển, cứu được 36 thuyền viên an toàn và tổ chức tìm kiếm 4 thi thể đưa vào bờ; cứu hộ 11 phương tiện, tổ chức lai dắt 2 phương tiện vào bờ để sửa chữa.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) các Đồn và Hải đội Biên phòng vận động nhân dân quyên góp được 10 triệu đồng và trích quỹ đơn vị 6 triệu đồng ủng hộ tiền tàu xe cho 4 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn trên biển trở về quê, đoàn tụ với gia đình.

Ngày 5-7-2015, BĐBP tỉnh nhận được tin báo về việc tàu BĐ 96778 TS của ông Nguyễn Văn Trí, ngụ tỉnh Bình Định bị mắc cạn trong đêm tối, phương tiện bị gãy chân vịt và bị phá nước ở phía sau lái. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều tàu BP 150401 của Hải đội 2 gồm 7 CB-CS tham gia cứu hộ, cứu nạn. Sau gần 1 giờ tàu đã tiếp cận cứu được 12 ngư dân và lai dắt phương tiện về Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Đại thuộc Đồn Biên phòng Phú Tân sửa chữa.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã quán triệt và triển khai nghiêm túc các Chỉ thị của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở kết hợp với chính quyền địa phương khu vực biên giới biển của tỉnh có biện pháp phòng, chống hạn mặn, góp phần đảm bảo nước sinh hoạt cho CB-CS và nhân dân trên địa bàn.

Đơn vị đã sử dụng phương tiện vận chuyển 750 m3 nước sạch sinh hoạt từ cơ quan BĐBP tỉnh hỗ trợ cho bà con các xã, thị trấn biên giới biển và cử 125 lượt CB-CS xuống địa bàn giúp bà con dựng lại 12 căn nhà bị cháy, sập, tốc mái do giông và các yếu tố thiên tai khác gây ra.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản trên khu vực biên giới biển của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức huấn luyện cho CB-CS về kỹ năng tìm kiếm cứu nạn.

Phối kết hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng bạn sẵn sàng ứng phó với thiên tai; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân; hỗ trợ trang thiết bị cho ngư dân hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển...

Tiếp tục rà soát lại toàn bộ kế hoạch, phương án PCTT-TKCN, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập của đơn vị. Làm tốt việc khảo sát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời các tình huống sát với thực tế của từng địa bàn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tận dụng tuyệt đối các phương tiện, vật chất, lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời khi xảy ra thiên tai.

Mặt khác, kết hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra - vào khu vực biên giới biển của tỉnh phải đảm bảo các loại áo phao cứu sinh, các thiết bị an toàn trước khi xuất bến, gắn với tuyên truyền về công tác PCTT-TKCN cho ngư dân; phối hợp với chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản thống kê toàn bộ trang bị, thông tin liên lạc, trên tàu và của các chủ phương tiện, kịp thời thông báo cho ngư dân tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Đại tá NGUYỄN TIẾN DŨNG
(Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang)

.
.
.