Chủ Nhật, 21/10/2012, 12:05 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua

Cựu Vương Campuchia Sihanouk qua đời ở Bắc Kinh; Năm nước được bầu vào thường trực HĐBA LHQ; Palestine đã tiến hành bầu cử hội đồng địa phương... là các sự kiện đáng chú ý trên thế giới trong tuần qua.

* Cựu Vương Campuchia Sihanouk qua đời ở Bắc Kinh

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Cựu Vương Campuchia Norodom Sihanouk ngày 15-10 đã qua đời ở Bắc Kinh do tuổi già, hưởng thọ 90 tuổi.
 
 Cựu Vương Norodom Sihanouk bị mắc nhiều chứng bệnh ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp và thường xuyên tới Bắc Kinh để chữa bệnh.
 
Norodom Sihanouk sinh 31-10-1922, từng là vua của Campuchia trong nhiều giai đoạn cho đến ngày thoái vị và trở thành Thái Thượng Hoàng để nhường ngôi cho Quốc vương Norodom Sihamoni vào ngày 7-10-2004.

Ông là con trai của cựu Quốc vương Norodom Suramarit và Hoàng hậu Sisowath Kossamak. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau kể từ năm 1941.
 
Sách kỷ lục Guiness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần thái tử, 1 lần chủ tịch nước, 2 lần thủ tướng và một lần quốc trưởng Campuchia cùng nhiều chức vụ khác.

* Năm nước được bầu vào thường trực HĐBA LHQ

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

AFP đưa tin, ngày 18-10, Hàn Quốc, Australia, Argentina, Luxembourg, Rwanda đã được bầu vào năm vị trí ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ.
 
Rwanda giành được 148 phiếu, tiếp theo là Australia với 140 phiếu và Argentina với 182 phiếu. Hàn Quốc đã giành được 149 phiếu và Luxembourg giành 131 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
 
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc cần tới vòng hai để giành chiến thắng trước Butan và Campuchia, trong khi tại nhóm "Đông Âu và các khu vực khác," Luxembourg đã đánh bại Phần Lan.
 
Năm nước giành ghế ủy viên không thường trực này sẽ đảm nhận nhiệm kỳ hai năm, bắt đầu vào tháng 1-2013.

* Palestine đã tiến hành bầu cử hội đồng địa phương

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (giữa) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Al-Bireh. Ảnh: AFP
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (giữa) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Al-Bireh. Ảnh: AFP

Ngày 20-10, các điểm bỏ phiếu ở khu Bờ Tây đã mở cửa để người dân Palestine tham gia cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên trong vòng sáu năm qua.
 
Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) cho biết ước tính chỉ khoảng 500.000 cử tri tham gia bỏ phiếu tại gần 340 điểm bầu cử ở Bờ Tây.
 
Tham gia tranh đua vào 1.064 ghế hội đồng địa phương có 4.696 ứng cử viên, trong đó 25% là nữ. Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 7 giờ (5 giờ GMT) và đóng cửa lúc 19 giờ (17 giờ GMT).
 
Cuộc bầu cử này đã bị trì hoãn từ lâu, và hôm nay chỉ diễn ra tại 91 trên tổng số 353 tỉnh, thành ở Bờ Tây.
 
Tại 181 địa phương khác, các ứng cử viên không có đối thủ. Tại các khu vực còn lại, bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 24-11 tới.
 
Theo dõi cuộc bỏ phiếu có 130 quan sát viên quốc tế và 1.890 quan sát viên địa phương. Đây là lần đầu tiên CEC áp dụng quy định cấm cử tri mang điện thoại di động hoặc camera vào điểm bỏ phiếu.
 
Lần gần đây nhất, cử tri Palestine đi bỏ phiếu là năm 2006, trong cuộc tổng tuyển cử đưa Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas giành đa số phiếu.
 
Hamas đã từ chối tham gia cuộc bầu cử lần này do có tranh cãi với Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Vắng bóng Hamas, trong cuộc bầu cử này, Fatah cạnh tranh với các thành viên thuộc các nhóm cánh tả như Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và Mặt trận Dân chủ vì Tự do cho Palestine (DFLP).

Cuộc bầu cử địa phương lần này cũng là phép thử cần thiết về tính kỷ luật và sự cân bằng lực lượng trong nội bộ Fatah. Phong trào này từng đe dọa trục xuất những thành viên ra ứng cử theo suất của các nhóm đối địch.

* Các nước kêu gọi Syria ngừng bắn dịp lễ Hiến sinh

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Các hãng tin AFP, AP đưa tin, ngày 19-10, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã cùng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt ngay lập tức các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng nổi dậy cũng như hối thúc chính phủ và phe đối lập Syria thực hiện ngừng bắn nhằm chấm dứt đổ máu trong dịp lễ Eid al-Adha, Lễ Hiến sinh của người Hồi giáo vào tuần tới.
 
Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Ancara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: "Thay mặt Thổ Nhĩ Kỳ, tôi chính thức kêu gọi tất cả các bên tham chiến ở Syria tôn trọng lệnh ngừng bắn tạm thời trong thời gian diễn ra lễ Eid al-Adha, và nếu có thể trong thời gian dài hơn."
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng cuộc ngừng bắn tạm thời này sẽ là một tia hy vọng mang tính nhân đạo quan trọng đối với người dân Syria.
 
Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính của Syria cùng ngày cho hay họ ủng hộ kế hoạch ngừng bắn nhân dịp lễ Eid al-Adha do Đặc phái viên Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Chủ tịch SNC Abdelbaset Sieda nói: "Chúng tôi nhất trí với kế hoạch ngừng bắn ở Syria do đặc phái viên Liên hợp quốc-AL và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất," đồng thời cho rằng kế hoạch này sẽ có lợi cho người dân Syria.
 
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ngày 19-10 cáo buộc các máy bay của Chính phủ Syria đã thả nhiều bom chùm trong các cuộc không kích nhằm vào lực lượng nổi dậy ở thị trấn Maaret al-Numan, miền Tây Bắc nước này khi họ chỉ cho các phóng viên thấy những mảnh vụn từ một quả bom chùm và hàng chục quả bom chưa nổ ở chiến trường Idlib.

* Hội thảo tại Paris: Đường lưỡi bò không thuyết phục

Hình.
Hình ảnh trong cuốn sách ''Dấu ấn Việt Nam ở Biển Đông'' của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông do Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên. Ảnh: TTXVN

Ngày 16-10, tại hội trường Nhà Hóa học ở Paris (Pháp) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề "Biển Đông: Đây có phải là không gian khủng hoảng mới không?" do Học viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức.

Đến dự hội thảo có gần 300 đại biểu, gồm các học giả hàng đầu của Pháp, Bỉ và Anh về luật biển, các chuyên gia thuộc một số cơ quan nghiên cứu của Pháp và các nước châu Âu, trong đó có Cố vấn đối ngoại Tổng thống Pháp về các vấn đề chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Christian Lechervy.
 
Hội thảo chia làm ba bàn tròn: bàn tròn thứ nhất nhan đề “Luật pháp quốc tế nói gì?” bàn về tầm quan trọng của Biển Đông về các mặt chính trị, chiến lược và kinh tế nhìn dưới góc độ luật pháp quốc tế; bàn tròn thứ hai về tầm quan trọng của Biển Đông về chính trị, chiến lược và kinh tế và bàn tròn thứ ba đánh giá khả năng giải pháp chính trị và quân sự cho các tranh chấp đặt ra.

Các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu Pháp, Bỉ và một số nước châu Âu khác về bối cảnh lịch sử của vấn đề Biển Đông, các cơ sở pháp lý liên quan đến các vấn để địa chính trị, chiến lược và kinh tế Biển Đông.
 
Nhiều diễn giả bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng nổi lên trong thời gian qua xung quanh các vùng tranh chấp tại Biển Đông, và cho rằng đây là một vấn đề không chỉ liên quan đến khu vực mà còn liên quan đến cộng đồng quốc tế.

Các phát biểu đã liên hệ nhiều giữa tình hình tại Biển Đông và sự nổi lên của Trung Quốc trong thời gian qua, cũng như những diễn biến gần đây ở biển Hoa Đông.
 
Theo một số nhà phân tích, những luận cứ tiếp cận về lịch sử liên quan đến đường lưỡi bò Trung Quốc cũng như một số luận cứ khác của Trung Quốc về lịch sử và các vấn đề chủ quyền đưa ra là “không có tính thuyết phục”. Có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách hiện nay thì tình hình tại khu vực sẽ còn căng thẳng.

Các diễn giả cũng đề xuất một số giải pháp, trong đó các nước ASEAN cần xem xét khả năng thống nhất đưa vấn đề tranh chấp ra quốc tế; đồng thời cộng đồng quốc tế cũng cần quan tâm, đóng góp hơn nữa cho việc giải quyết tình hình tại khu vực.

HOÀNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.