Chủ Nhật, 24/01/2016, 06:27 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Bước phát triển mới

Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nền kinh tế Iran chính là một trong những bước phát triển mới trong quan hệ của nước này với phương Tây, cũng như sẽ có tác động tích cực đến tình hình khu vực... Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao. Tuy nhiên, khủng bố rình rập, cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu hay tương lai hòa bình cho Libya và Syria cũng là những vấn đề nóng bỏng tuần qua. 1. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, ngay sau khi Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định Tehran đã tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7 năm ngoái. Việc Mỹ và EU dỡ bỏ trừng phạt kinh tế Iran sẽ là một bước khởi đầu mới cho quan hệ giữa Tehran và phương Tây. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại một vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Nguồn: US State Department Động thái này cũng chính thức xác nhận thỏa thuận lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức). Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nền kinh tế Iran chính là một khởi đầu mới trong quan hệ của nước này với phương Tây, cũng như có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở Trung Đông. 2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và dư luận quốc tế. Ảnh: qdnd.vn Nhiều hãng thông tấn quốc tế và nhiều tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về Đại hội và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong hơn 1 tuần làm việc, 1.510 đại biểu thay mặt cho hơn 4,5 triệu đảng viên toàn Đảng sẽ đánh giá, tổng kết 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, xem xét việc thực hiện nghị quyết Đại hội khóa XI, đồng thời vạch ra phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên cùng mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2016 - 2020. Các chuyên gia phân tích tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp và Đảng sẽ lãnh đạo đất nước tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng gần 7% mỗi năm, một trong những chỉ số cao nhất ở châu Á. 3. Ngày 19-1, Libya đã công bố việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc theo một kế hoạch do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ, với hy vọng có thể sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại đây. Đại diện các phe phái chính trị ở Li-bi cùng nắm tay nhau sau khi ký một thỏa thuận do LHQ bảo trợ ngày 17-12-2015. Ảnh: qdnd.vn Trước đó, các phe phái chính trị ở Libya đã ký một thỏa thuận do LHQ bảo trợ hôm 17-12-2015 tại Maroc nhằm kết thúc tình trạng chia rẽ chính trị ở Libya, tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và mối đe dọa từ phía nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các cường quốc phương Tây hy vọng chính phủ mới của Libya có thể tạo ra sự ổn định, giúp đối phó với chủ nghĩa khủng bố và cứu vãn nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này. 4. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã chính thức được thành lập tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của đại diện 57 nước thành viên. Đa số thành viên tham gia AIIB là các quốc gia châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Đại diện 57 nước thành viên sáng lập AIIB tham dự lễ ký kết ngày 29-6-2015. Ảnh: TTXVN “Cầu thủ” mới trên "sân chơi" tài chính thế giới được cho là đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Mặc dù là châu lục có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới nhưng nền tảng cơ sở hạ tầng của châu Á lại chưa phát triển ở mức cao. Do vậy, một ngân hàng tập trung vào việc cung cấp vốn để xây dựng đường, cầu cống, bến cảng cũng như hệ thống viễn thông tại châu Á nhằm tạo dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế là một sáng kiến được chào đón. Tham gia AIIB với tư cách là cổ đông sáng lập sẽ giúp ​Việt Nam được bổ sung một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước. 5. Châu Âu đang thực sự bế tắc trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Châu Âu đang loay hoay tìm tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Ảnh: ibtimes.co.uk Hội đồng châu Âu cảnh báo khối này chỉ còn chưa đầy 2 tháng để giải quyết cuộc khủng hoảng hoặc phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ ở phía trước là sự sụp đổ của khu vực tự do thị thực Schengen.          Trong tuần này, thêm một nước thành viên Liên minh châu Âu và khu vực tự do thị thực Schengen là Áo thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới trước làn sóng người di cư khổng lồ đang tiếp tục đổ về châu Âu. Trên thực tế, các biện pháp thắt chặt hay đóng cửa biên giới đã làm dấy lên căng thẳng giữa các nước láng giềng châu Âu, cho thấy cuộc khủng hoảng nhập cư dẫn đến nhiều thách thức lớn hơn mà châu Âu phải giải quyết nếu như muốn tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. 6. Đàm phán hòa bình Syria, dự kiến diễn ra vào tuần tới, có thể bị trì hoãn một hoặc hai ngày. Ngày 21-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định việc lùi thời điểm diễn ra các cuộc thương thảo do Liên hợp quốc (LHQ) đứng đầu chỉ là "vấn đề hậu cần". Tương lai hòa bình ở Syria vẫn chưa thể đoán biết được. Ảnh: telegraph.co.uk Trước đó một ngày, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cũng thừa nhận khả năng có thể lùi thời gian đàm phán giữa Chính phủ Syria và đại diện các nhóm đối lập ở nước này. Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh còn những bất đồng tồn tại giữa Nga và Mỹ về thành phần phe đối lập Syria tham gia đàm phán. 7. Khi nỗi lo ngại về các âm mưu khủng bố ở Indonesia hay Burkina Faso vừa qua chưa kịp lắng dịu, “bóng ma” khủng bố lại bao trùm lên Pakistan và Ai Cập. Người dân Pakistan tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Ảnh: Vietnam+ Sáng sớm 20-1, bốn kẻ mang súng và lựu đạn đã lợi dụng tình trạng sương mù để đột nhập vào khuôn viên trường Đại học Bacha Khan ở Charsadda và xả súng làm 21 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Vụ tấn công đã một lần nữa gây rúng động quốc gia Nam Á này khi mục tiêu của những kẻ khủng bố thời gian gần đây lại là các trường học. Trong khi đó, ít nhất 6 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương trong một vụ nổ ở tỉnh Giza gần thủ đô Cairo tối 21-1. Tối ngày 20-1 cũng đã có 7 cảnh sát thiệt mạng và 10 người bị thương khi một nhóm vũ trang tấn công vào lực lượng an ninh ở thành phố Arish, Bắc Sinai. Phần lớn các vụ tấn công này do một nhóm có tên Ansar Bayt al-Maqdis, gần đây đổi tên thành tổ chức “Nhà nước Sinai” và tuyên bố trung thành với nhóm khủng bố IS. (Theo qdnd.vn)
.
.
.