Thứ Bảy, 11/08/2018, 21:43 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Sóng gió song phương

Vòng xoáy đối đầu từ chính trị đến thương mại đang ngày càng làm rạn nứt mối quan hệ song phương vốn đã bấp bênh giữa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ với Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ; Canada với Saudi Arabia; hay Venezuela với Colombia... Bên cạnh đó, tình hình bạo lực ở dải Gaza và Yemen cũng là tâm điểm của dư luận thế giới.

1. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước

* Mỹ đã bất ngờ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Washington kết luận, chính Moscow đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng với con gái của ông này tại Anh. Dự kiến có hiệu lực từ ngày 22-8 tới, những biện pháp trừng phạt sẽ được cấu trúc thành 2 đợt, với tác động lớn nhất từ các lệnh trừng phạt ban đầu, trong đó có việc cấm cấp giấy phép xuất khẩu các hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga.

Lệnh trừng phạt trên ngay lập tức bị Nga chỉ trích, coi điều này trái với luật pháp quốc tế, và đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng trước. Cơ hội hòa giải từ Moscow là rất mỏng bởi các biện pháp trừng phạt có thể tiếp tục làm tổn hại nền kinh tế Nga và thúc đẩy hơn nữa chu kỳ luẩn quẩn của sự thù địch Mỹ-Nga.

Những tín hiệu được cho là lạc quan từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Phần Lan mới đây cũng chưa thể giúp mối quan hệ song phương cải thiện. Ảnh minh họa. Nguồn: Time
Những tín hiệu được cho là lạc quan từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Phần Lan mới đây cũng chưa thể giúp mối quan hệ song phương cải thiện. Ảnh minh họa. Nguồn: Time

* Căng thẳng thương mại giữa Mỹ- Trung Quốc tiếp tục có diễn biến mới. Washington vừa công bố danh sách 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 16 tỷ USD, chính thức bị áp mức thuế bổ sung 25% từ ngày 23-8 tới. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hơn 330 mặt hàng trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ cùng ngày với vòng áp thuế trừng phạt Trung Quốc mà Mỹ mới công bố.

Như vậy, trong 2 tuần tới, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ áp thuế bổ sung lên số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của nhau. Phía Mỹ còn có kế hoạch áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 tới, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ đáp trả.

4
Tổng thống Trump ký quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 8-5-2018. Ảnh: The Nation

* Mỹ đã chính thức tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran sau quãng thời gian đầy căng thẳng với nhà nước Hồi giáo này kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nhóm P5+1 đạt được với Tehran năm 2015. Các biện pháp cấm vận lần này của Mỹ được cho là toàn diện và khắc nghiệt nhất trong lịch sử bất đồng giữa Mỹ và Iran, cho thấy Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa về kinh tế” đối với nước cộng hòa Hồi giáo này.

* Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-8 quyết định sản phẩm nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50%. Động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ thắng trong "cuộc chiến kinh tế".

2. Tình hình bạo lực ở dải Gaza

Israel và Hamas, tổ chức Hồi giáo ở dải Gaza, ngày 9-8 đã đồng ý ngừng bắn chấm dứt xung đột bùng phát xuyên biên giới. Bất chấp sự thù địch giữa hai bên, Israel và Hamas dường như đã hợp tác qua trung gian các nhà điều phối Ai Cập để tránh xảy ra thêm một cuộc chiến tranh khác.

Trước đó, các máy bay Israel oanh kích hơn 150 mục tiêu tại Gaza, trong khi các phần tử chủ chiến Palestine phóng hàng chục đạn rocket vào lãnh thổ Israel trong một vụ bùng phát bạo động qua đêm 8-8 kéo đến hôm sau. Hiện chưa rõ động thái leo thang mới nhất trong một loạt vụ chạm trán dữ dội diễn ra trong vài tháng qua có ảnh hưởng tới các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Israel với các lãnh đạo của nhóm Hamas ở Gaza hay không.

Khói bốc lên sau khi Israel không kích Dải Gaza ngày 8-8. Ảnh: TTXVN
Khói bốc lên sau khi Israel không kích Dải Gaza ngày 8-8. Ảnh: TTXVN

Israel và Hamas đã đối đầu nhau trong ba cuộc chiến từ khi nhóm Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2007. Căng thẳng tại biên giới Israel và Gaza tăng cao kể từ cuối tháng 3, khi nhóm Hamas phát động các cuộc tụ tập phản đối sau này trở thành các cuộc biểu tình đông đảo thường xuyên, dọc theo hàng rào phân cách Israel với Gaza. Mục đích của các cuộc biểu tình một phần là để tìm cách tháo gỡ cuộc phong tỏa vùng biên giới này.

Israel tuyên bố họ chỉ bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ chống lại những vụ thâm nhập của Hamas. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề vì thường xuyên sử dụng bạo lực chống những người biểu tình không vũ trang.

3. Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Saudi Arabia

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 8-8 cho biết, ông sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với Saudi Arabia liên quan vấn đề nhân quyền. Liên quan căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, ông Trudeau cũng cho biết, Ngoại trưởng Canada vừa qua đã có hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia song không cho biết chi tiết cuộc hội đàm.

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho rằng “không có gì để hòa giải” liên quan đến những căng thẳng ngoại giao giữa nước này và Canada. Phát biểu tại họp báo, ông Jubeir nêu rõ: Canada tự biết phải làm gì để sửa chữa sai lầm. Saudi Arabia hiện đang cân nhắc tiến hành thêm các biện pháp đáp trả nhằm vào Canada.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: DAP News
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: DAP News

Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước nổ ra sau khi Bộ Ngoại giao Canada và Đại sứ quán Canada tại Saudi Arabia hối thúc Riyadh “trả tự do ngay lập tức” cho một số nhân vật bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét mới đây tại “vương quốc dầu mỏ”.

Phản ứng trước động thái của Canada, Saudi Arabia khẳng định Riyadh “không chấp nhận sự can thiệp vào công việc nội bộ” từ bên ngoài. Hôm 5-8, quốc gia Trung Đông này đã triệu hồi Đại sứ của mình tại Canada và tuyên bố trục xuất Đại sứ Canada. Ngoài biện pháp ngoại giao, Saudi Arabia tuyên bố đóng băng mọi giao dịch mới về thương mại và đầu tư với Canada. Saudi Arabia cũng đã ngừng một số chuyến bay giữa hai nước, rút toàn bộ du học sinh về nước và dừng mọi chương trình điều trị bệnh nhân của mình tại Canada.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ sẽ không can thiệp vào căng thẳng giữa Canada và Saudi Arabia, vốn là hai đồng minh của Washington.

4. Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt

Vụ ám sát bất thành Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đi theo một chiều hướng mới sau khi Venezuela cho biết đang nắm trong tay các bằng chứng cho thấy Colombia đứng đằng sau vụ việc này.

Trước đó, ông Maduro mới thoát khỏi một âm mưu ám sát khi ông có mặt tại một cuộc diễu binh lớn tại Thủ đô ngày 4-8. Vụ tấn công đã làm 7 binh sĩ bị thương, có 6 nghi phạm bị bắt. 4 ngày sau khi xảy ra vụ ám sát, Tổng thống Venezuela tiết lộ, vụ ám sát ông là một hành động có tính toán và có tổ chức. 11 sát thủ được thuê để tiến hành vụ ám sát, họ đều được đào tạo tại Colombia.

dd
Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước khi vụ nổ xảy ra. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Venezuela cáo buộc nghị sĩ đối lập thuộc đảng Công lý trên hết (PJ) Juan Requesens đứng đằng sau vụ tấn công, ông này ngay lập tức bị bắt và bị tước quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ. Ngoài ra, tham gia vụ ám sát Tổng thống còn có một cựu nghị sĩ hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và một người khác đang sống tại Colombia.

Vụ tấn công hụt Tổng thống Venezuela khiến mối quan hệ giữa Venezuela và Colombia, Mỹ rơi vào những “khúc mắc” ngoại giao mới. Chính phủ Mỹ tuyên bố không liên quan đến vụ ám sát hụt, còn về phần mình, Colombia đã bác bỏ những cáo buộc của lãnh đạo Venezuela. Trong khi đó, Caracas muốn cả Mỹ và Colombia hợp tác, đồng ý dẫn độ những đối tượng chủ mưu và liên quan về Venezuela điều tra, xét xử.

5. Nhật Bản tổ chức tưởng niệm nạn nhân thảm họa bom nguyên tử

Trong 2 ngày 6 và 9-8, Nhật Bản đã tổ chức tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki 73 năm về trước.

Trong thông điệp của mình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các nước bằng hành động thiết thực của mình hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với những nạn nhân còn sống sót sau thảm họa hạt nhân.

Nhật Bản tưởng niệm 73 năm thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima. Ảnh: Nikkei
Nhật Bản tưởng niệm 73 năm thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima. Ảnh: Nikkei

Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), được Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7-2017, là bằng chứng rõ ràng cho thấy các nỗ lực nhằm chấm dứt vĩnh viễn những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, từ đó hiện thực hóa sứ mệnh xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều đáng nói là không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, tham gia các cuộc đàm phán hay bỏ phiếu về TPNW.

Khoảng 140.000 người đã thiệt mạng khi “Little Boy” được ném xuống Hiroshima ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử thứ hai mang tên “Fat Man” được thả xuống Nagasaki 3 ngày sau đó cướp đi tính mạng của khoảng 74.000 người. Đó là chưa kể hàng chục nghìn người khác bị ảnh hưởng trực tiếp sau những ngày tang thương nhất trong lịch sử đất nước Mặt Trời mọc cũng như toàn nhân loại này. Những con số biết nói ấy đang hằng ngày nhắc nhớ về những hậu quả khôn lường của vũ khí hạt nhân, và thúc giục các nước cần nhanh chóng phê chuẩn TPNW để sớm đạt mục tiêu một thế giới hòa bình, không còn phải lo lắng về thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

6. “Thảm kịch chiến tranh” mới tại Yemen

Ít nhất 29 trẻ em Yemen đã thiệt mạng và hơn 30 em khác bị thương trong một vụ không kích của Saudi Arabia tại một khu chợ, phía Bắc tỉnh Saada ngày 9-8 khiến hơn 100 người thương vong.

Tuy nhiên, Saudi Arabia đã bác bỏ mọi trách nhiệm về vụ việc khi cho rằng phiến quân Houthi đã sử dụng trẻ em làm “lá chắn sống” nhằm bảo vệ mình trước các cuộc không kích của Liên quân Arab do nước này dẫn đầu.

Một nạn nhân nhỏ tuổi bị thương đang được đưa đi cấp cứu sau vụ không kích ngày 9-8 tại tỉnh Saada. Ảnh: Vox
Một nạn nhân nhỏ tuổi bị thương đang được đưa đi cấp cứu sau vụ không kích ngày 9-8 tại tỉnh Saada. Ảnh: Vox

Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gọi vụ không kích là “khủng khiếp”, đã cho thấy rõ mức độ tàn bạo của cuộc chiến đang diễn ra tại quốc gia nghèo nhất Trung Đông này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ Ngoại giao Iran và Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức kêu gọi mở một cuộc điều tra nhanh chóng, kỹ lưỡng, minh bạch và độc lập về vụ việc.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người và 1/4 trong số đó là trẻ em, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.