Chủ Nhật, 07/06/2020, 20:40 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Áp lực bủa vây

Tuần qua, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, chưa có dấu hiệu bị ngăn chặn, nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng xã hội gia tăng dẫn đến biểu tình bạo loạn… Nhiều quốc gia, khu vực đang vật lộn trong khó khăn, trong khi sức ép tiếp tục gia tăng trên một số vấn đề nóng bỏng.

1. Nước Mỹ trong vòng xoáy “khủng hoảng kép”

Nước Mỹ đang phải đối phó với một cuộc "khủng hoảng kép". Một là nguy cơ bùng phát trở lại dịch Covid-19, hai là tình trạng “lợi dụng cái cớ đòi hỏi công lý” cho một người da màu để đốt phá, cướp bóc. 

Bạo loạn, đập phá, tràn vào các cửa hàng cửa hiệu cướp bóc, hôi của… Những hình ảnh như vậy xảy ra tràn lan ở nhiều thành phố lớn của nước Mỹ. Giữa trung tâm thủ đô Washington DC, giữa đại lộ 5 buôn bán sầm uất của thành phố New York…. Tổng thống Donald Trump đã phải tạm lánh xuống hầm trú ẩn trong một một giờ đồng hồ khi người biểu tình trở nên mất kiểm soát bên ngoài khu vực Nhà Trắng đêm 30-5.

Người dân Mỹ biểu tình bên ngoài một nhà hàng đang bốc cháy ở Minneapolis hôm 29-5. Ảnh: AP.
Người dân Mỹ biểu tình bên ngoài một nhà hàng đang bốc cháy ở Minneapolis hôm 29-5. Ảnh: AP.

Mọi chuyện xuất phát từ cái chết của một người da màu có tên là George Floyd ở bang Minnesota. Người này từng có tiền án 5 năm tù, chống đối cảnh sát khi bị bắt giữ vì nghi vấn tiêu tiền giả. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.

“Cơn thịnh nộ” của người biểu tình dâng cao khiến hơn 20 thành phố phải áp đặt giới nghiêm ban đêm. Khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. CNN đưa tin, khoảng 4.000 người đã bị bắt giữ.

Làn sóng biểu tình còn lan tới Canada, Đức, Anh và nhiều nước với các cuộc tuần hành của hàng nghìn người nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với những người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Mỹ được biết tới là quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và người Mỹ luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”

2. Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) phản đối việc Mỹ rút quy chế đặc biệt

Ngày 30-5, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ra tuyên bố cho rằng quyết định trên của Mỹ là một sai lầm, sẽ chỉ khiến mối quan hệ hai bên được thiết lập nhiều năm qua tan vỡ.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong. Ảnh: CRI
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong. Ảnh: CRI

Tuyên bố cũng cho biết chính quyền Hong Kong không lo ngại trước những động thái của Mỹ, bởi đặc khu này vẫn có thể dựa vào ưu thế cơ bản của mình, trong đó có nền pháp trị, tư pháp độc lập, chính sách thương mại tự do và mở cửa, sân chơi công bằng, cùng những ưu thế đặc biệt từ việc kinh tế Trung Quốc đại lục duy trì mở cửa mang lại.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại họp báo ở thủ đô Bắc Kinh ngày 4-6, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong nêu rõ, chính quyền Hong Kong sẽ hợp tác trong việc soạn thảo dự luật liên quan, cải thiện năng lực thực thi pháp luật, cũng như nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia. Trong quá trình thực thi, chính quyền trung ương sẽ lắng nghe ý kiến từ nhiều giới ở Hong Kong, trong đó có các quan chức chính phủ, Chủ tịch Hội đồng lập pháp, chuyên gia pháp lý, nghị sĩ và các cố vấn chính trị.

Trước đó, ngày 29-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo Mỹ sẽ hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt đã dành cho Hong Kong, sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh Hong Kong. Việc rút quy chế đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới một hiệp ước dẫn độ song phương, các quan hệ thương mại và các kiểm soát xuất khẩu giữa Mỹ với trung tâm tài chính của châu Á này. Động thái trên đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc tranh cãi thương mại kéo dài hai năm qua vẫn chưa được giải quyết.

3. Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến trái chiều

Tính đến ngày 5-6, tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn diễn biến trái chiều trên thế giới khi nhiều quốc gia dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong khi một số nước vẫn tiếp tục gia hạn các biện pháp phòng, chống dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29-5. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29-5. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 5-6, trên thế giới có 6.747.148 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 394.306 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 3.277.057 người.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi có tới 1.927.646 ca mắc bệnh, trong đó 110.306 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 618.554 ca mắc bệnh và 34.072 ca tử vong; Nga có 449.834 ca mắc bệnh và 5.528 ca tử vong; Tây Ban Nha với 287.740 và 27.133 ca tử vong, Anh ghi nhận 281.661 ca mắc bệnh và 39.904 ca tử vong.

Tại châu Mỹ, tình hình dịch Covid-19 cũng đang khiến WHO không khỏi quan ngại. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong 5 ngày qua, mỗi ngày có hơn 100.000 ca nhiễm mới trên toàn thế giới, trong đó phần lớn tập trung tại khu vực này. Nhiều nước Mỹ Latinh gia hạn các lệnh giới nghiêm, phong tỏa, cách ly xã hội bắt buộc cũng như kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế… để ngăn chặn dịch bệnh.

Trong khi đó tại châu Âu, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson ngày 5-6 cho biết, EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau. Trong đó, phần lớn chính phủ các nước trong EU sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối vào ngày 15-6, một số nước khác đợi đến cuối tháng này mới làm như vậy.

Tại châu Á, một số nước ghi nhận số ca nhiễm tiếp tục tăng cao. Ấn Độ ghi nhận thêm 9.851 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm trên cả nước lên 226.770, trong đó có 6.348 ca tử vong. Bangladesh cũng là quốc gia Nam Á ghi nhận số ca mắc mới cao trong cùng ngày với 2.828 ca trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 30 ca. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 tại nước này lần lượt là 60.391 ca và 811 ca. Các nước khác ở châu Á như Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc cũng công bố số ca nhiễm mới đều gia tăng.

4. Nga công bố chính sách về phòng thủ chiến lược

Ngày 2-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về phòng thủ chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Sắc lệnh nêu rõ, Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe, là biện pháp cuối cùng và bắt buộc; và Nga đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự leo thang của các mối quan hệ liên quốc gia có thể kích động quân sự, bao gồm cả hạt nhân và xung đột.

Trong sắc lệnh này, chính sách phòng thủ chiến lược của Nga ngoài mục đích nhằm bảo đảm sự bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước, còn nhằm mục đích để những đối thủ nhận thức được sự trả đũa không thể tránh khỏi trong trường hợp gây hấn với Nga và các đồng minh.

Còn với chính sách răn đe hạt nhân, Nga sẽ sẽ tính đến việc triển khai vũ khí siêu thanh và laser, máy bay không người lái mang tên lửa và máy bay không người lái tấn công, các "lá chắn" tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Cũng theo sắc lệnh, Nga coi việc thiết lập và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và các hệ thống tấn công trong không gian là mối đe dọa, và để hóa giải điều này đòi hỏi phải có khả năng răn đe hạt nhân.

Với sắc lệnh vừa ký trên, quân đội Nga sẽ có quyền giáng trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này, cũng như có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của chính quyền nhà nước.

5. Philippines hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng với Mỹ

Ngày 2-6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo, nước này đã tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn tồn tại 20 năm với Mỹ. Quyết định của Philippines đưa ra sau gần 4 tháng “cân nhắc” kể từ khi quốc gia này thông báo sẽ xóa bỏ thỏa thuận quân sự với Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: TNS
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: TNS

Trên mạng xã hội Twitter, ông Locsin viết: "Việc hủy bỏ VFA đã bị tạm hoãn theo chỉ đạo của Tổng thống". Thông báo chính thức về vấn đề được ông Locsin đăng tải nêu rõ, quyết định trên được đưa ra khi "xét tới diễn biến chính trị và các diễn biến khác trong khu vực".

Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngay lập tức hoan nghênh quyết định này. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ khẳng định, quan hệ đồng minh lâu nay giữa Mỹ và Philippines mang lại lợi ích cho cả hai. Mỹ muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines.

Được ký năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như hỗ trợ nhân đạo.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.