Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:38 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy khủng hoảng

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bầu cử Mỹ bắt đầu “nóng” dần khi đảng Dân chủ chính thức lựa chọn ông Joe Biden ra tranh cử, nhiều quốc gia rơi vào biến cố chính trị… là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Đến sáng 22-8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt con số 23 triệu, trong đó có trên 800.000 người thiệt mạng ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình lây nhiễm Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở nhiều khu vực trên thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát làn sóng dịch mới.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên thế giới. Ảnh: Epoch Times
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên thế giới. Ảnh: Epoch Times

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus corona chủng mới nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (69.039 ca), Mỹ (45.735 ca) và Brazil (27.233 ca); trong khi đó Mỹ (với 991 ca), Ấn Độ (953 ca), Brazil (935 ca) và Mexico (625 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong, lần lượt là gần 5,8 triệu ca và hơn 179.000 ca. Ngày 21-8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhận định số ca tử vong do đại dịch tại nước này sẽ bắt đầu giảm vào tuần tới khi tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày trong tuần qua luôn ở mức trên dưới 1.000 trường hợp.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp và có nguy cơ đẩy khoảng 100 triệu người trở lại cảnh nghèo cùng cực. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo số người nghèo đói có thể còn tăng cao hơn nếu đại dịch diễn biến xấu đi hoặc kéo dài. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus ngày 21-8 hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đến 2 năm tới.

2. Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ chính thức lựa chọn ông Joe Biden

Ngày 21-8, tại phiên bế mạc đại hội toàn quốc đảng Dân chủ của Mỹ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức nhận đề cử trở thành ứng cử viên của đảng này trong cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ năm nay.

Đây được coi là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ, mở đường cho chiến dịch tranh cử gấp rút khi ngày tổng tuyển cử Mỹ sắp tới gần. Ngoài ra, đại hội còn là cơ hội để đảng Dân chủ nêu bật những lợi thế và xây dựng hình ảnh ông Biden có đủ năng lực lãnh đạo nước Mỹ.

Ông Joe Biden chính thức đại diện đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Ông Joe Biden chính thức đại diện đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Tại đại hội, ông Biden đưa ra kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ, chú trọng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, cam kết triển khai một chiến lược quốc gia để đối phó với đại dịch Covid-19, vốn đang tàn phá nước Mỹ hết sức nặng nề.

Trước đó, ông Biden đã chọn bà Kamala Harris, một người gốc Ấn Độ-Jamaica, làm đối tác tranh cử của ông trong cuộc bầu cử Mỹ. Động thái này giúp bà Harris trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và là người Mỹ gốc Á đầu tiên có thể trở thành Phó tổng thống Mỹ nếu ông Biden đắc cử.

Ngay sau đại hội đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa cũng sẽ tổ chức đại hội vào tuần sau, từ ngày 24 đến 27-8. Dự kiến, ông Donald Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa từ Nhà Trắng. Cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tới.

3. Mong manh cơ hội nối lại đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Yuma (bang Arizona) ngày 18-8, Tổng thống Trump xác nhận ông đã ra lệnh hủy cuộc đối thoại thương mại với Trung Quốc vì thất vọng cách Bắc Kinh xử lý đại dịch ban đầu.

Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Trung Quốc sẽ họp trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hoãn vô thời hạn.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ trầm trọng hơn. Ảnh minh họa/New China
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ trầm trọng hơn. Ảnh minh họa/New China

Cuộc thương chiến tốn kém giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm khép lại sau khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay. Thỏa thuận được ông Trump xem như một trong những chiến tích lớn của nhiệm kỳ đầu tiên, có thể giúp ông tái đắc cử. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi các tính toán của ông.

Sự sụp đổ của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ dẫn đến sự trở lại của cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng gây tổn hại đến thương mại và các công ty trên toàn thế giới.

Giới quan sát từng kỳ vọng hai cường quốc kinh tế thế giới có thể tạm gạt bỏ những bất đồng để cùng ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận thương mại ký kết hồi đầu năm. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump cho thấy triển vọng đàm phán thương mại cấp cao giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mờ mịt, mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 20-8 cho biết hai nước dự định sẽ bắt đầu tiến hành thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại trong thời gian sắp tới.

4. Belarus rơi vào bất ổn chính trị

Bất ổn tại Belarus xuất hiện kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8. Theo đó, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ. Tiếp đến là bà Svetlana Tikhanovkskaya với 10,12% số phiếu và tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử.

Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.

Belarus đối mặt với khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử Tổng thống. Ảnh: Reuters
Belarus đối mặt với khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử Tổng thống. Ảnh: Reuters

Ông Lukashenko khẳng định không cần các nhà hòa giải nước ngoài can dự giải quyết tình hình Belarus, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Brussels chuẩn bị trừng phạt cá nhân chịu trách nhiệm trong làn sóng biểu tình ở Belarus.

Trước sức ép trong và ngoài nước, Tổng thống Lukashenko đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, với thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ giúp đỡ toàn diện để đảm bảo an ninh cho Belarus. Vốn là một đồng minh lâu năm nhưng mối quan hệ giữa Belarus và Nga có phần nguội lạnh khi Tổng thống Lukashenko gần đây có những điều chỉnh nhằm cân bằng quan hệ giữa nước này với Mỹ và EU.

Ngày 18-8, ông Lukashenko tuyên bố sẵn sàng giao quyền lực nếu một cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp được tổ chức. Tổng thống Nga đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel, qua đó đã gửi đi yêu cầu các nước châu Âu ngừng việc tiếp tục can thiệp vào khủng hoảng ở Belarus.

5. Mali xảy ra binh biến

Sự việc ngày 18-8 là vụ đảo chính thứ hai ở Mali trong vòng 8 năm, đẩy quốc gia thuộc diện nghèo nhất ở Tây Phi này chìm sâu vào vòng xoáy khủng hoảng. 

Theo đó, một nhóm binh lính quân đội tự xưng là Ủy ban quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tiến hành đảo chính và bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng nhiều thành viên chính phủ, buộc ông Keita phải từ chức.

Các thành viên thuộc nhóm binh lính tham gia binh biến ở Mali vừa qua. Ảnh: CNN
Các thành viên thuộc nhóm binh lính tham gia binh biến ở Mali vừa qua. Ảnh: CNN

Nhóm CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Đại tá quân đội Mali Assimi Goitan đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, trong khi phát ngôn viên của CNSP Ismael Wague đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đây được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 3 tại Mali. Tranh cãi liên quan tới kết quả bầu cử khiến Mali không thể thành lập được chính phủ mới, kèm theo đó là làn sóng biểu tình quy mô lớn do phe đối lập phát động trên cả nước từ đầu tháng 6.

Cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc đảo chính, yêu cầu nhanh chóng khôi phục lại trật tự hiến pháp ở Mali; các tổ chức khu vực cũng nỗ lực tìm cách tháo gỡ bế tắc. Thúc đẩy đối thoại và thương lượng giữa các bên để giải quyết khác biệt, tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với hiến pháp và luật pháp Mali là con đường phù hợp nhất để thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở nước này.

6. Giao tranh giữa Israel và các nhóm vũ trang tại Dải Gaza

Ngày 20-8, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công đáp trả nhằm vào một số mục tiêu của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas.

Một người phát ngôn quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đấu nước này đã tấn công một địa điểm do Hamas kiểm soát. Đây là khu vực được sử dụng làm cơ sở hạ tầng ngầm cũng như phục vụ cho việc xây dựng đường hầm.

Dù đã có lệnh ngừng bắn nhưng Israel và Phong trào Hamas vẫn thường xuyên xảy ra xung đột. Ảnh: The New York Times
Dù đã có lệnh ngừng bắn nhưng Israel và Phong trào Hamas vẫn thường xuyên xảy ra xung đột. Ảnh: The New York Times

Trước đó, Israel xác nhận hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” của Israel đã đánh chặn 3 rocket, trong đó 2 quả rơi xuống khu vực đất trống gần khu vực hàng rào an ninh ở Dải Gaza. Hiện vẫn chưa rõ liệu có thương vong hoặc thiệt hại về tài sản.

Mới đây nhất, tối 18-8, quân đội Israel cũng đã tiến hành không kích các mục tiêu quân sự tại Dải Gaza nhằm đáp trả vụ phóng rocket và thả bóng bay chứa chất gây cháy.

Israel phong tỏa Dải Gaza từ năm 2007 và đã thực hiện 3 cuộc chiến với Phong trào Hamas kể từ năm 2008. Bất chấp một lệnh ngừng bắn được Liên hợp quốc, Ai Cập và Qatar hậu thuẫn năm 2019, xung đột vẫn xảy ra giữa hai bên với các vụ nã rocket, súng cối qua biên giới, hoặc thả bóng bay chứa chất gây cháy từ Dải Gaza và các vụ tấn công trả đũa của Israel.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.