Thứ Ba, 24/12/2019, 16:58 (GMT+7)
.

Việt Nam tích cực thực thi Hiệp định Mê Công

Báo cáo đánh giá đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công (nhiệm vụ trong Nghị quyết số 120/NQ-CP) được công bố tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 tổ chức tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào ngày 19-6-2019 cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Mê Công.

p
Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công tổ chức tại Tiền Giang (Ảnh: VT).

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường “chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ quan liên quan đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công”, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị Báo cáo nêu trên trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tham khảo ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với nội dung của Báo cáo và các giải pháp đối với hợp tác Mê Công như kiến nghị của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và giao nhiệm vụ của các Bộ, ngành và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công.

Trên thực tế, dòng sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Vùng Hạ lưu vực sông Mê Công (không kể Trung Quốc và Myanma) có khoảng 65 triệu người, trong đó khoảng 85% phụ thuộc vào nguồn nước Mê Công.

Lưu vực sông Mê Công hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến động của tự nhiên như: Phát triển thủy điện (các quốc gia ven sông đã khai thác gần 50% tiềm năng phát triển thủy điện, trong đó Trung Quốc đã hoàn thành gần 70% tiềm năng và Lào cũng đang đẩy mạnh phát triển thủy điện dòng chính); chuyển nước ra ngoài lưu vực (Thái Lan chuyển nước sang lưu vực sông Chao-phray-a); gia tăng nhu cầu sử dụng nước (do Campuchia, Lào và Thái Lan mở rộng diện tích đất canh tác dự kiến đến 32% nên nhu cầu nước tăng, đặc biệt trong mùa khô, nhu cầu nước cho đô thị và công nghiệp cũng tăng mạnh).

Sông Mê Công đoạn qua Tiền Giang.
Sông Mê Công đoạn qua Tiền Giang.

Các hoạt động khác (tàn phá rừng, nạo vét lòng sông khai thác cát...); biến đổi khí hậu (đã trở nên ngày càng rõ nét, đặc biệt hiện tượng nước biển dâng). Các thách thức này sẽ gây biến động chế độ dòng chảy như lũ lụt biến động bất thường, sụt giảm trong mùa khô...; chất lượng nước suy giảm và ô nhiễm, xâm nhập mặn gia tăng, giảm nguồn dinh dưỡng...; phù sa bùn cát sụt giảm gây xói lở, biến động lòng bờ, sụt lún, giảm bồi đắp, ...; hệ sinh thái bị đe dọa do mất các loài di cư, suy thoái giống loài; cản trở giao thông thủy... từ đó dẫn đến ảnh hưởng các ngành kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy... và nguồn sống, sinh kế người dân.

Hợp tác Mê Công bắt đầu từ năm 1957 với tổ chức tiền thân là Ủy ban Điều phối Nghiên cứu Khảo sát Hạ lưu vực sông Mê Công, hợp tác Mê Công trong thời gian đầu tập trung vào mục tiêu khuyến khích và phối hợp phát triển tổng hợp vùng Hạ lưu vực sông Mê Công.

Sau một thời gian bị đình trệ do tình hình chính trị sau năm 1975, hợp tác Mê Công đã được khởi động trở lại và sau 4 năm đàm phán với sự vận động đóng góp tích cực của Việt Nam, 4 quốc gia ở Hạ lưu vực sông Mê Công là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan, Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công) vào ngày 5-4-1995 tại Chiềng Rai, Thái Lan và xác lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế...

P.V

.
.
.