Thứ Hai, 23/04/2012, 07:26 (GMT+7)
.

Nhà quản lý hãy đặt mình vào vị trí của người dân

Trong thời gian qua, báo chí đưa rất nhiều thông tin xoay quanh các chủ trương, chính sách do các nhà lãnh đạo đề ra nhưng chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận.

Điển hình là việc hạn chế nhập cư của thành phố Đà Nẵng, quy định thu phí lưu thông của Bộ Giao thông vận tải và đang nóng bỏng nhất chính là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế trên diễn đàn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: “Siết chuyển viện là giải pháp quan trọng để giảm tải bệnh viện”.

Những vấn đề đó đã đặt ra cho chúng ta những điều cần phải suy ngẫm về công tác quản lý nhà nước của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra giải pháp “Quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo” tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính sách "siết chuyển viện" mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Tuổi trẻ online

Việc ban hành các chủ trương, giải pháp chính là khâu quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của công tác quản lý nhà nước. Nó đòi hỏi các nhà quản lý phải có một tầm nhìn chiến lược, toàn diện và sâu sắc.

Muốn vậy thì điều đầu tiên ở một người lãnh đạo là phải gần dân, hay nói cách khác là người quản lý phải đặt mình ở vị trí của người dân khi ban hành bất kỳ một chủ trương hay chính sách, vì người dân chính là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chủ trương, chính sách đó. Việc đặt mình vào vị trí người dân có ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, có đặt mình vào vị trí của người dân thì các nhà quản lý mới thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, biết họ cần gì, không cần gì, từ đó mới đưa ra những chủ trương, chính sách hợp lý, qua đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Người xưa đã có câu: “Không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình” có ý nghĩa như thế.

Thứ hai, khi đặt mình vào vị trí người dân, người lãnh đạo mới có một cái nhìn toàn diện về vấn đề, xác định chính xác những nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính thiết thực, có tính khả thi nhất và phải vì mục đích phục vụ cho đại đa số nhân dân chứ không vì phục vụ cho một cá nhân hay tổ chức nào khác.

Bất kỳ một chủ trương hay giải pháp nào đó đều có tính hai mặt, có thể nó mang đến lợi ích cho một số đối tượng nhưng lại gây bất lợi cho những đối tượng khác, hay có lúc nó có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm này nhưng lại bị vô hiệu hóa trong giai đoạn khác, có lúc nó tạo ra sự thuận lợi cho công tác quản lý của nhà nước nhưng lại gây khó khăn cho cuộc sống người dân.

Do đó điều quan trọng ở đây là người lãnh đạo phải gần dân, đặt mình vào vị trí của người dân để biết được đâu là lợi ích chung của đại đa số mà có hướng giải quyết xác đáng.

Mặt khác, hiệu quả của công tác quản lý không phải chỉ được đánh giá qua những lời văn chương hoa mỹ được thể hiện trên văn bản mà nó phải được đánh giá qua sự đồng thuận của người dân, qua lợi ích thiết thực mà người dân được thụ hưởng.

Mục đích cuối cùng của công tác quản lý nhà nước là nhằm xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân để thực hiện mục tiêu cơ bản là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các nhà quản lý cần phải quán triệt sâu sắc mục tiêu đó trước khi đưa ra quyết sách. Cần phải trả lời được câu hỏi: Quyết sách đó khi được áp dụng thì người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào? Cuộc sống người dân có được cải thiện không? Có đảm bảo được dân chủ, công bằng, văn minh không? Đừng để người dân trở thành “vật thí nghiệm” của các chính sách gây tranh cãi và không đạt được sự đồng thuận.

ĐỖ THỊ KIM LOAN
(Phó Chủ tịch UBND P.4, TX. Gò Công)

.
.
.