Thứ Sáu, 27/07/2012, 14:27 (GMT+7)
.

Tàn nhưng không phế

Thoạt nghe tưởng như người nói câu trên “chơi chữ” trong lúc vui chuyện. Vì tàn phế là một từ ghép thường đi chung với nhau, có nghĩa bị tàn tật đến mức không còn làm gì được. Nhưng trong thực tế không phải lúc nào “phế” cũng đi kèm với “tàn” và Bác đã tách nó ra để động viên thương binh, bệnh binh tăng cường ý chí, nghị lực, tự tin phấn đấu vượt lên chính mình.

Chuyện kể rằng, đêm giao thừa của Tết hòa bình đầu tiên sau khi ta thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội. Trong câu chuyện vui vẻ, cảm động giữa Bác - cháu, Bác đã “xuất thần” nói rằng: “Các cô, các chú tàn nhưng không phế”.

Ảnh minh họa. Ảnh: baotanghochiminh.vn
Ảnh minh họa. Ảnh: baotanghochiminh.vn

Thương binh, bệnh binh của chúng ta vốn là những cán bộ, chiến sĩ cách mạng, là bộ đội Cụ Hồ. Khi chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, đã xác định có thể hy sinh hoặc bị thương tật, tù đày. Đó là nhân tố cơ bản giúp thương binh, bệnh binh chúng ta giữ vững tinh thần, tự hào về những cống hiến của mình với dân tộc, đất nước.

Tuy nhiên, cũng có thể ở người này người khác, lúc này lúc khác không tránh được tâm trạng nặng nề, bi quan chán nản. Nhưng đa số đã chọn lối sống tích cực, kiên trì rèn luyện sức khỏe, tìm công ăn việc làm mà hầu hết việc làm đều vượt quá khả năng của mình, đòi hỏi phải có sự kiên trì tập luyện, ý chí vượt khó. Nhất là khi câu nói của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” được lưu truyền, trở thành phương châm sống của thương binh, bệnh binh.

Có biết bao tấm gương thương binh tưởng đã “tàn” nhưng đã làm được những việc mà đa số người lành lặn và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn không làm được. Đó là những tấm gương tuyệt vời của anh thương binh Bộ đội Cụ Hồ, chẳng những có tác dụng khuyến khích, nâng đỡ các thương binh, bệnh binh khác tiến lên, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội, cổ vũ những người khuyết tật tự tin sống theo phương châm “tàn nhưng không phế”, quyết tâm đổi đời, chiến thắng số phận.

Cũng như các năm trước, kỳ thi cao đẳng, đại học năm nay rải rác trong cả nước có rất nhiều thí sinh khuyết tật dự thi. Ngay ở Hội đồng thi trường Đại học Tiền Giang chúng ta năm nay có thí sinh Lê Kim Tiền, sinh năm 1994 ở ấp Lộ Ngang (Bình Đức, Châu Thành) nằm trong trường hợp đó. Vừa sinh ra, Kim Tiền đã bị dị tật hai chân, đi đứng rất khó khăn. Kim Tiền cố vượt qua khiếm khuyết thân thể, luôn chuyên cần học tập và trong 12 năm học em luôn là học sinh khá, giỏi. Cô thí sinh tật nguyền cao chưa tới 1m và chỉ cân nặng 30kg đã quyết tâm thi vào ngành Kế toán với tâm sự: “Ngoại hình bất thường vốn là thiệt thòi nhưng tri thức là con đường vượt qua khó khăn”.

Một lĩnh vực cũng được nhiều người khuyết tật phấn đấu khổ luyện để chinh phục những đỉnh cao là các môn thể dục - thể thao. Trong các kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, châu Á và thế giới những năm qua đều có vận động viên Việt Nam tham dự. Đoàn 11 vận động viên khuyết tật Việt Nam vừa sang Anh dự cuộc tranh tài thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật Paralympic London 2012 sẽ diễn ra sau Olympic London 2012. Sự kiện thể thao này cho thấy cả thế giới đều đề cao phương châm sống “tàn nhưng không phế”của người khuyết tật.

Làm theo lời Bác Hồ: Thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế” và mở rộng ra người khuyết tật “tàn nhưng không phế” để “mỗi một người dân mạnh khỏe tức là làm cho cả nước mạnh khỏe”, “dân cường thì nước thịnh”.

TRẦN  QUÂN

.
.
.