Thứ Hai, 02/07/2012, 20:16 (GMT+7)
.

Giữ độc lập, chủ quyền là yêu cầu thiêng liêng

Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri đơn vị bầu cử số 1, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày 29-6.

Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ành: TTXVN.
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ành: TTXVN

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Vũ Mạnh Hiền (phường Điện Biên) đề cập vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Chia sẻ khó khăn với Đảng và Nhà nước trong việc xử lý vấn đề vô cùng phức tạp này, ông Hiền nói lên tiếng nói của cử tri: “Khổ mấy cũng chịu đựng được, nhưng chạm vào chủ quyền của đất nước là điều không thể chấp nhận”.

Cùng mối quan tâm, cử tri Vũ Duy Thông (phường Đội Cấn) hỏi: “Vấn đề biển Đông, chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta như thế nào? Với hành vi sai trái gần đây của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc - CNOOC (công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam), hoạt động khai thác dầu khí của ta có ảnh hưởng gì không?”.

Chia sẻ tâm tư của cử tri về tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư nói, những băn khoăn, lo lắng đó là đúng. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã bàn để có phương án xử lý đúng đắn nhất. Tổng Bí thư cũng khẳng định việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 3 là thành công rất lớn.

Tổng Bí thư cho biết, luật đã quy định rất rõ: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các cơ quan liên quan đã dự liệu được phản ứng của quốc tế, trong đó có Trung Quốc”. Trước cử tri, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 mục tiêu: Thứ nhất, kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ - đó là yêu cầu thiêng liêng. Thứ hai, phải bảo vệ được chế độ. Thứ ba là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước những hành vi gây hấn, sai trái từ phía Trung Quốc về cái gọi là “thành phố Tam Sa”, việc CNOOC mời thầu quốc tế 9 lô dầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta, chính quyền thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm.

Từ diễn đàn quốc tế, các chính khách, các nhà khoa học cũng đã lên tiếng về những hành vi không thể chấp nhận được từ phía Trung Quốc. Những việc làm đúng đắn của ta cùng với dư luận quốc tế đồng tình và qua thông tin kịp thời của các cơ quan báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân ta về tình hình đất nước, về diễn biến mới trên biển Đông với những hành vi sai trái của Trung Quốc mà còn có ý nghĩa định hướng đúng đắn, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân.

Trong thời gian qua, vấn đề biển Đông, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc luôn là đề tài được nhân dân quan tâm và thể hiện với mọi cấp độ. Trước phát sinh, trước mọi diễn biến mới, từ diễn đàn Quốc hội đến các cuộc tiếp xúc cử tri và ngay cả các buổi đàm luận trong khu phố, xóm ấp…, nhân dân ta luôn quan tâm và bày tỏ thái độ trước những hành vi không thể chấp nhận được từ phía Trung Quốc.

Trong tình cảm thiêng liêng đó, tiếng nói của các bậc lão thành cách mạng, các bậc cao niên có sức thuyết phục rất lớn trong đời sống xã hội, trong cộng đồng dân cư. Với uy tín và trách nhiệm, tình cảm lớn lao trước vận mệnh của đất nước, chính ý kiến, tiếng nói của  những người cao tuổi là sức mạnh trải qua những năm kháng chiến, hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất đất nước.

Nay, trước tình hình của đất nước, dù tuổi cao, sức khỏe giảm thì chính tiếng nói của các cụ càng tạo niềm tin, động lực cho lớp sau, nhất là thế hệ trẻ nâng cao sự tin tưởng và sự lãnh đạo, quyết sách của Đảng ta, Nhà nước ta nhằm đưa nước ta tiếp tục tiến lên trong tâm thế: Giữ độc lập, chủ quyền là yêu cầu thiêng liêng. Đó cũng là lời thề của lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta.

NGƯỜI SÔNG TIỀN
 

.
.
.