Thứ Hai, 06/08/2012, 15:11 (GMT+7)
.

Trí tuệ Việt Nam

Tháng 7-2012, học sinh Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” ở hàng loạt các cuộc thi Olympic quốc tế Toán học, Sinh học, Vật lý, Hóa học đều gặt hái được thành tích tốt đẹp:

- Ngày 15-7, ban tổ chức kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 53 tại Argentina công bố kết quả cuộc thi tại lễ bế mạc. Theo đó, cả 6 thí sinh Việt Nam đều đoạt giải, gồm 1 Huy chương vàng (Đậu Hải Đăng, lớp 12 trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội), 3 HCB và 2 HCĐ.

Với kết quả này, đoàn Việt Nam đứng thứ 9 sau Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Thái Lan, Canada, Singapore và Ireland trong tổng số 548 thí sinh từ 100 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Như vậy là sau nhiều năm Việt Nam không có tên trong top 10, nay trở lại vị trí thứ 9.

Đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học lần thứ 44 tại Hoa Kỳ đều đã giành được huy chương. Ảnh: sggp.org.vn
Đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học lần thứ 44 tại Hoa Kỳ đều đã giành được huy chương. Ảnh: sggp.org.vn

- Từ ngày 7 đến 16-7, kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2012 tại Singapore với 234 thí sinh từ 63 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Đoàn Việt Nam đoạt 1 HCB (Nguyễn Thu Trang, lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) và 3 HCĐ (năm 2009 đoạt 4 HCĐ, năm 2010 đoạt 2 HCB, 1 HCĐ và năm 2011 đoạt 3 HCĐ, 1 BK).

- Từ ngày 15 đến 24-7, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2012 tại Estonia với gần 300 thí sinh từ 88 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Đoàn Việt Nam có 5 thí sinh đều đoạt huy chương, gồm 2 HCV (Ngô Phi Long, lớp 11 trường THPT chuyên Sơn La và Đinh Ngọc Hải, lớp 12 trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam).

- Từ ngày 21 đến 30-7, kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2012 lần thứ 44 tại Hoa Kỳ với 283 thí sinh từ 72 nước và vùng lãnh thổ tham dự. 4 thí sinh của đoàn Việt Nam đều đoạt huy chương, gồm 1 HCV (Phạm Đăng Huy, lớp 12 trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), 2 HCB và 1 HCĐ.

Trong khi đó đội tuyển nước chủ nhà (Mỹ) chỉ hơn ta 1 HCB, không có HCĐ. Đây là kết quả cao nhất trong 3 lần thi gần đây. Tại Nhật Bản năm 2010 và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011, đoàn của ta đều giành 4 huy chương (2 HCB, 2 HCĐ).

Trong các cuộc thi kể trên, đoàn Việt Nam phải khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, nhất là hai cuộc thi ở Argentina và Hoa Kỳ, thí sinh của ta phải vượt qua cuộc hành trình dài về địa lý, thích nghi với múi giờ thay đổi, với món ăn không quen khẩu vị… Chưa nói điều kiện học tập của học sinh ta còn nghèo nàn về thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thực hành.

Nhưng đạt được những kết quả như thế chứng tỏ trí tuệ của thế hệ trẻ Việt Nam có thể “sánh vai” với thế hệ trẻ của các nước tiên tiến trên thế giới. Vấn đề của chúng ta là song song với việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tiếp tục đào tạo thành những nhà khoa học, những nhân tài của đất nước, cần quan tâm thỏa đáng việc nâng cao mặt bằng dân trí, chống tái dốt, bỏ học, nâng lên độ đồng đều về dân trí, qua đó nâng lên cả độ đồng đều về dân sinh, dân chủ.

Có một thông tin rất đáng lo ngại là Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO thuộc LHQ) công bố những con số cho thấy trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng.

Tổ chức này xem xét trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người, mà do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ thống đổi mới/sáng tạo của quốc gia (National Innovation System – NIS).

Với cách xem xét này thì nguyên nhân khiến trí tuệ Việt Nam ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho vốn con người (*).

Chúng ta tự hào về tố chất, trí tuệ con người Việt Nam, về trí tuệ Việt Nam. Nhưng trí tuệ của quốc gia thì còn nhiều yếu tố cấu tạo thành mới đưa đổi mới/sáng tạo đến thành công, đất nước phát triển.

TRẦN  QUÂN

(*) Xem bài “Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ”, Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH&CN) số 15, ngày 5-8-2012, tr.12.

.
.
.