Chủ Nhật, 21/04/2013, 07:47 (GMT+7)
.

Phát triển du lịch để bảo tồn di sản

Bảo tồn không phải là lưu giữ hiện vật, di sản trong lồng kính khiến di sản của cha ông, nhân loại, thiên nhiên, trở nên xa lạ với cuộc sống hiện đại, mà cần phải đưa di sản vào cuộc sống, phát huy được giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử…của di sản cho hiện tại và tương lai.

Động lực bảo tồn di sản

Theo ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, nếu di sản chỉ có giá trị bảo tồn mà không có đóng góp gì cho đời sống của người dân địa phương thì giá trị bảo tồn ấy cũng bị giảm sút.

Tham quan tại trại rắn Đồng Tâm. Ảnh Như Lam
Tham quan tại trại rắn Đồng Tâm. Ảnh Như Lam

Thực tế cho thấy, du lịch đã trở thành nguồn thu chủ yếu của các điểm đến văn hóa và của chính địa phương có di sản. Trong năm 2012, nguồn thu từ dịch vụ du lịch di sản đã chiếm 45% GDP của Thừa Thiên - Huế. Doanh thu từ du lịch của Hội An trong 10 năm từ 2002 - 2012 đã tăng 12 lần từ 728 tỷ đồng lên hơn 3.360 tỷ đồng.

Sức hút của các di sản thế giới tại Việt Nam đã tạo tiền đề cho việc mở rộng các điểm du lịch và các hoạt động liên quan như: Du lịch nhà vườn, vườn sinh thái tại Huế, du lịch Cù Lao Chàm, tham quan các làng nghề, tắm biển ở Hội An...

Từ đó, không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân, mà còn làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương có di sản, góp phần phát triển các ngành nghề dịch vụ du lịch, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, hoạt động văn hóa truyền thống (văn hóa phi vật thể) được phục hồi, phát triển và phục vụ cho du lịch.

Xây dựng tour, tuyến du lịch chọn lọc

Tuy nhiên, nếu phát triển du lịch gắn với di sản chỉ chạy theo doanh thu, lợi nhuận mà không chú trọng quan tâm bảo vệ, duy trì di sản đúng mức, đúng cách thì nguy cơ phá huỷ di sản sẽ hiện hữu.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian phát triển mạnh về du lịch, UNESCO đã có cảnh báo việc phát triển du lịch tại khu vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc quản lý nuôi trồng thuỷ sản tại Vịnh Hạ Long và việc xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị tại quần thể di tích kiến trúc Huế đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của những di sản này.

TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, thực hiện các chế tài về quản lý, bảo vệ di sản, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người quản lý, cộng đồng và người làm du lịch thì rất cần chủ trương định hướng phát triển những hoạt động du lịch lựa chọn, có trách nhiệm.

“Cần đưa những chương trình du lịch tôn trọng di sản vào các tour du lịch điểm đến của các công ty du lịch cũng như chương trình hoạt động, phát triển của chính những di sản đó. Những du khách yêu quý di sản, biết tôn trọng di sản thì họ sẽ không xâm hại đến nó. Chúng ta cần khuyến khích loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch lựa chọn chứ không khuyến khích phát triển loại hình du lịch đại trà, du lịch xô bồ đến với di sản”, ông Siêu chia sẻ.

Chính những khách du lịch cũng cần xác định lại mục tiêu, sự quan tâm thực sự của mình đối với các di sản. Nên đến với di sản bằng sự đam mê thực sự của mình và đến với sự hiểu biết nhất định về những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, kiến trúc, lịch sử của di sản thay vì sự hiếu kỳ hoặc do hiệu ứng đám đông.

Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội RedTour, một di sản muốn trở thành một sản phẩm du lịch đồng thời vẫn bảo vệ được giá trị của di sản đó thì trước hết những người làm du lịch phải biết, hiểu được giá trị của nó, phù hợp với đối tượng nào, thị trường nào, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, kết nối hài hòa với chính di sản đó.

Còn theo anh Đặng Xuân Sơn, Chủ nhiệm CLB du lịch có trách nhiệm, doanh nghiệp cần có sự tư vấn cho khách du lịch để họ có thể lựa chọn những tour di sản thực sự phù hợp với thị hiếu, mục đích và khả năng cảm nhận của mình.

Thay vì xây dựng những tour tuyến mang màu sắc “thập cẩm” vừa có ẩm thực, vừa có vui chơi giải trí, vừa có du lịch tâm linh, chúng ta nên xây dựng những tour du lịch mang tính chuyên biệt như du lịch tâm linh, du lịch tìm hiểu, tham quan di sản, lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng.

Qua đó, vừa đa dạng hóa sản phẩm cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn, vừa phân loại khách du lịch để du khách tiếp cận đúng điểm đến phù hợp với nhu cầu của mình, vừa đưa di sản đến với đúng đối tượng thực sự yêu mến, tôn trọng và hiểu biết về văn hóa, thẩm mỹ.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.