Chủ Nhật, 12/05/2013, 18:44 (GMT+7)
.

"Lệch pha" giữa sản xuất lúa và xuất khẩu gạo

Ngày 10-5, tại Hà Nội, Viện Chính sách Phát triển Chiến lược nông nghiệp nông thôn phối hợp với Tổ chức Oxfam của Anh tổ chức hội thảo về chính sách “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng?”.

Theo Tổ chức Oxfam, sản xuất lúa gạo là một lợi thế quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và Tổ chức Oxfam trong năm 2012 cho thấy, thu nhập của người trồng lúa rất thấp, ước tính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước cũng chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn tới người trồng lúa tại Việt Nam. Thực tế như năm 2008, khi giá gạo xuất khẩu tăng từ 430 USD lên 900 USD/tấn thì giá lúa nông dân bán ra chỉ tăng 100USD/tấn. Như vậy có thể thấy, nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

Người nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo. Ảnh: Vân Anh
Người nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo. Ảnh: Vân Anh

Bà Lê Nguyệt Minh, chuyên gia cao cấp của Oxfam đề xuất, cần tập trung nghiên cứu các chính sách phân bổ lợi ích hơn cho những người nông dân, những người trồng lúa.

“Nên dựa trên những nguyên tắc cơ bản như đối tượng hưởng lợi là gì, khi xây dựng chính sách nhất thiết phải chứng minh rõ rằng nông dân sẽ được hưởng lợi, cụ thể hưởng lợi là bao nhiêu. Trên cơ sở này để đánh giá hiệu quả chính sách như thế nào, chính sách đúng hay do thực hiện không đúng hay chính sách sai…”, bà Minh nêu quan điểm.

Một số đại biểu cho rằng, trên thực tế vẫn còn tồn tại sự “lệch pha” giữa sản xuất lúa và xuất khẩu gạo, khiến cho người nông dân chưa được hưởng lợi nhuận đúng mức.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, chưa có nước nào làm giàu từ sản xuất lúa gạo. Trong thời gian qua, những chính sách về nông nghiệp ở Việt Nam đã được thực hiện khá tốt, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao vị thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển kinh doanh lúa gạo vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng.

“Sản xuất lúa gạo chịu tác động rất nhiều vào các chính sách khác nhau cho nên đây là cây trồng mang tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế. Ở một quốc gia mà nông dân sản xuất lúa gạo muốn sống khá và tốt được thì phải có hỗ trợ rất lớn của Chính phủ”, TS Đặng Kim Sơn nói.

“Tại Việt Nam trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, điều kiện sản xuất còn khó khăn, Nhà nước cần tạo điều kiện tối đa cho nông dân để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của mình bằng nhiều nguồn. Để cho nông dân sản xuất lúa gạo có lợi nhuận tốt hơn là cả 1 sự phấn đấu và chiến lược tổng hợp mà Nhà nước và nông dân cùng phải làm với nhau”, TS. Đặng Kim Sơn phân tích.

Hội thảo cũng đề ra những giải pháp như: Tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của cây lúa thông qua việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh; Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ khuyến nông, giống mới đặc biệt là những giống chất lượng cao, giống chống chịu biến đổi khí hậu; Từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam…

Về chính sách điều hành, nhiều ý kiến cho rằng, cần thành lập Ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân.

(Theo vov.vn)

.
.
.