Thứ Tư, 24/07/2013, 09:03 (GMT+7)
.

Cảm xúc tháng 7 - Đền ơn đáp nghĩa

*Tháng 7, dù bộn bề công việc, dù cuộc mưu sinh bận bịu với cơm-áo-gạo-tiền… trong ta vẫn nhớ Ngày 27-7 - Đền ơn đáp nghĩa. Và không chỉ có ta mà mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới này đều luôn tưởng nhớ các thế hệ “Vị quốc vong thân”. Ví dụ như, hàng năm Liên bang Nga vẫn tưởng niệm các tướng lĩnh và chiến binh Hồng quân Liên Xô xả thân vì chiến thắng phát xít Đức vĩ đại.

Nhưng với dân tộc Việt Nam thì đạo lý Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống ngàn đời bởi dân tộc ta phải đương đầu với “Sáng chống bão giông / Chiều ngăn sóng lửa”, phải hành động vì “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”… Cảm xúc tháng 7, xin có sự so sánh dù “khập khiểng”, song càng thấm đậm ý nghĩa lớn lao, chứa đựng bản sắc dân tộc, càng nguyện giữ gìn nền độc lập tự do trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Như Lam
Trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Như Lam

* Hơn 37 năm sau đại thắng 30-4-1975, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như Bác Hồ khẳng định đối với Việt Nam càng có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh. Và ta nguyện xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Người, cho xứng đáng với sự hy sinh xương máu của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ta càng tâm đắc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người “Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. / Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền và địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Trước lúc Bác đi xa, ngay trong bản Di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người vẫn quan tâm và chỉ ra những việc cụ thể, thiết thực. Nhiều năm qua, thực hiện lời Người, cả nước, từng địa phương…đã có những việc làm thường xuyên, quan tâm chăm sóc các đối tượng, gia đình chính sách. Một trong những công việc thiết thực là làm sao cho họ có cuộc sống vật chất ngang bằng hoặc hơn mức sống trung bình của khu dân cư.

Những kết quả đạt được thật đáng quý, đáng trân trọng, là sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng. Nhưng, ta có biết đâu, trong những lúc quạnh quẻ, những lúc “trái gió trở trời”, những ngày Tết… thì đâu đó có những giọt nước mắt âm thầm khóc con, khóc chồng. Thế cho nên, trong cảm xúc qua bao lời ca vút cao, vần thơ ngân vang, nốt nhạc trầm lắng…vẫn ẩn chứa đâu đó khúc bi hùng…Đó là cảm xúc  ngày qua ngày để ta năng đến thắp nén hương, năng thăm hỏi, kịp thời đến với những cảnh đời quạnh quẻ…

* Tháng 7, có nhiều hoạt động tập trung nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), đó là cái lệ hàng năm. Hôm kia về quê, nghe gia đình chị Bảy bàn tính chuyện tôn tạo phần mộ mẹ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Sáng nay, nghe cơ quan tổ chức thăm gia đình chính sách. Bước vào phòng làm việc thấy thư mời dự họp mặt và giỗ hội liệt sĩ…Và điện thoại reo, đầu dây bên kia nhắc đi thăm mẹ…Cảm xúc dâng trào, lòng dặn lòng sống và làm việc sao cho tốt…

Tháng 7 và không chỉ có tháng 7, không chỉ có ngày 27 tháng 7, khi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” khắc vào tâm thức ta, thì càng tăng sức đề kháng, cái đạo làm người trong ta sáng trong hơn.

NGƯỜI SÔNG TIỀN

.
.
.