Thứ Hai, 26/08/2013, 07:12 (GMT+7)
.

Hy vọng mong manh

Những điều tiết của thị trường gần đây liên quan đến giá điện, xăng dầu cộng với những khó khăn nội tại, dường như là “giọt nước làm tràn ly” làm mất đi niềm hy vọng mong manh của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bởi chính những điều chỉnh này đã trực tiếp hay gián tiếp “ăn vào” hiệu quả nhỏ nhoi mà các đơn vị mong muốn có được trong năm tài chính 2013.

Trong cuộc phỏng vấn ngắn vào sáng ngày 24-8, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO tâm tư, giá điện tăng 5% làm cho chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng. Đây là con số đáng quan ngại trong điều kiện sản xuất - kinh doanh cực kỳ khó khăn như hiện nay. Chưa kể, với sự tăng lên của giá điện sẽ gián tiếp làm cho giá thành sản xuất tăng thêm ít nhất 5%.

Khi được đặt vấn đề là doanh nghiệp có kỳ vọng vào thời gian tới tình hình sẽ khả quan hơn? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Đạo trầm ngâm: Thật sự chưa có một hy vọng nào được lóe lên bởi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường chưa tăng dẫn đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng sẽ còn rất khó khăn. Có chăng là vào dịp cao điểm tiêu dùng như Tết Dương lịch hay Noel, nhưng cũng chỉ là nhất thời.

“Duy trì được mức độ sản xuất – kinh doanh như hiện nay là tốt rồi, còn kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận của năm nay sẽ không bao giờ đạt được”- ông Nguyễn Văn Đạo trầm ngâm.

Dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp tư nhân SD (Cụm công nghiệp Trung An).
Dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp tư nhân SD (Cụm công nghiệp Trung An).

Câu chuyện về chỉ tiêu lợi nhuận của năm tài khóa 2013 dường như đang là bài toán khó đối với hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp thì hầu hết các doanh nghiệp ở các nhóm ngành đều phải ngấm những “đòn đau” của những biến động thị trường.

Số lượng sản phẩm sản xuất – kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận giảm là điều mà hầu hết các đơn vị dự báo trước.  Trao đổi với ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang gần đây, một trong những doanh nghiệp đứng đầu về kinh doanh, xuất khẩu gạo của tỉnh, cũng nhận được những nhận định tương tự.

Ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, trong hàng chục năm qua chưa năm nào tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn như năm nay. Số liệu cụ thể được đưa ra cho thấy, đến ngày 31-7 dù cố gắng thực hiện rất nhiều chiến lược kinh doanh nhưng công ty cũng chỉ kinh doanh được 101.000 tấn gạo, giảm đến trên 13% so với cùng kỳ năm 2012.

Một trong những khó khăn dẫn đến thực trạng này là các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của năm nay chỉ chiếm trên 14%, còn lại là các hợp đồng thương mại, trong khi mọi năm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại sống nhờ vào các hợp đồng xuất khẩu tập trung, chưa kể giá xuất khẩu gạo bình quân đến thời điểm hiện nay cũng giảm 6,25%.

Ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, nếu có hy vọng về những tín hiệu lạc quan hơn thì cũng phải đến đầu năm 2014 vì hiện tại hầu hết các nước đang trúng mùa, trong khi Thái Lan đang xả hàng nên hy vọng giá gạo xuất khẩu tăng lên là rất mong manh. Do vậy, chỉ tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp đặt ra ngay từ đầu năm cũng sẽ rất khó đạt, mặc dù chỉ tiêu về doanh số kinh doanh cố gắng lắm cũng có thể đạt được.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân SD, một trong những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đồ chơi trẻ em xuất khẩu và là một trong những nhóm ngành có thị trường tiêu thụ ổn định hiện nay cũng tâm tư rằng, với những điều chỉnh về chi phí đầu vào gần đây chắc chắn sẽ “ăn” vào phần lợi nhuận ít ỏi mà doanh nghiệp dự định có được trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Dũng nói rằng, chi phí tiền điện hiện chiếm khoảng 3% tổng doanh thu nên chỉ cần điều chỉnh tăng chút ít cũng đã có những tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Từ những bối cảnh hiện nay, một viễn cảnh chung đã và đang được đưa ra là tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho ở một số nhóm ngành chắc chắn sẽ còn cao và nguy hại hơn là kịch bản về sự đổ vỡ của không ít doanh nghiệp ở một số nhóm ngành cũng sẽ tiếp tục còn diễn ra. Do vậy, niềm tin và hy vọng về những tín hiệu lạc quan hơn của các doanh nghiệp vẫn còn rất mong manh.

THẾ ANH

.
.
.